Ngày yêu thương...

27/06/2009 16:09 GMT+7

Gia đình, nghĩa của hai từ ấy được người Việt hiểu là “tổ ấm” – nơi để về nương tựa lúc mệt mỏi và chia sẻ những thành công. Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, nhiều bạn trẻ xem đó là ngày yêu thương, ngày để nhớ về những người thân thương…

Mãi là chốn về

Tiếp xúc với các bạn trẻ để tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của các bạn về hai từ “tổ ấm”, nhiều bạn chia sẻ: “Gia đình là chốn về bình yên mà mỗi người ai cũng cần có để cảm thấy mình đang được bảo bọc, che chở”. Thanh Nhi - sinh viên trường ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM nói với chúng tôi: “Ở xa nhà nhưng cứ mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống mình lại nghĩ ngay đến gia đình. Những lúc ấy mình gọi điện về để được cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ và được nhận những lời tư vấn rất chí lý...”.

Bạn Trần Ngọc Hùng (Hà Nội) đã đi làm, lại là con trai nhưng vẫn còn... “nhõng nhẽo” với bố. Những dịp nghỉ phép về Bắc, anh chàng thường chở bố đi uống cà phê và kể cho bố nghe công việc mà anh đang đảm trách ở phía Nam. Hoặc, có những lúc cam go trước những quyết định trong cuộc sống anh cũng xin ý kiến bố. Theo Hùng, bố là người từng trải nên vốn sống và kinh nghiệm nhiều, mình dù đã lớn, có thể có nhiều kiến thức mới hơn nhưng góc nhìn của người lớn tuổi thật sự là cần thiết, nhất định phải nghe”.

Không giấu được nỗi niềm khi nói về hai tiếng “gia đình”, bạn Xuân Phong đang du học ở Úc nói với người viết qua e-mail rằng: “Đi đâu, ở đâu và làm gì thì cũng không bằng gia đình mình anh ạ. Gia đình em có bốn người và ai cũng biết lắng nghe nhau nên thuận hòa và rất hạnh phúc. Chính vì vậy, trở về mái nhà thân thương, được ăn bữa cơm gia đình là điều mình khao khát”. Có lẽ vì lý do này mà Phong khẳng định chắc nịch: “Học xong, mình sẽ về quê làm việc, sống gần bố mẹ để chăm nom cũng như học hỏi những vốn sống quý giá mà các cụ đã tích cóp trong suốt một đời”.

Nền tảng thành công

Tôi đọc được rất nhiều tư vấn của các chuyên gia tâm lý về vấn đề gia đình và ai trong số họ cũng đều cho rằng: “Có một gia đình hạnh phúc thì mỗi thành viên thường dễ thành công hơn trong cuộc sống...”. Gia đình hạnh phúc sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình yên tâm phấn đấu, đeo đuổi theo lý tưởng, thực hiện ước mơ của mình.

Bạn Kiều Kim Chung ở TP.HCM bộc bạch: “Mình có một người bạn, nhà bạn ấy không được hạnh phúc lắm nên càng lớn sức học càng sa sút, cho đến một ngày bạn ấy sa ngã vào ma túy luôn”. Câu chuyện mà bạn Kim Chung kể là một bài học đắt giá, đáng để suy ngẫm. Hiện nay, nhiều gia đình chưa có một “thời gian biểu” trong sinh hoạt cũng như giáo dục con cái. Ba mẹ vin vào lý do “kiếm tiền để lo con cái” mà quên quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con nên “những người trẻ trong gia đình ấy cảm thấy trống trải, buồn chán vì nghĩ rằng ba mẹ không thương, không quan tâm. Từ đó các bạn muốn làm gì thì làm, dẫn đến học đòi cái xấu”, bạn L.T.V ở TP.HCM – một nạn nhân của trường hợp này nói. Tuy V. đã biết sửa sai bằng cách sống đàng hoàng hơn nhưng mỗi lần nghĩ đến tuổi thơ dữ dội của mình bạn vẫn rùng mình: “Nếu được bố mẹ định hướng khi mình bước vào tuổi dậy thì có lẽ mình đã thành công hơn trong công việc và cuộc sống”.

Rõ ràng, với những dẫn chứng trên cho thấy một điều: gia đình bền vững thì ở đó chất liệu cho thành công của từng cá thể sẽ càng bền vững. Bữa cơm gia đình cũng là sợi dây nối kết những thành viên gia đình, làm cho gia đình thêm gắn bó. Chị Kim Tuyến, đang làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức (TP.HCM) tâm sự: “Mỗi người có một thành công riêng, đối với tôi - một người phụ nữ, gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái được khỏe mạnh, học hành tử tế chính là thành công”. Nghe chia sẻ của chị, chúng tôi ngộ ra: “Hạnh phúc gia đình là nền tảng của thành công, và thành công của mỗi cá nhân cũng là chất liệu cho hạnh phúc gia đình”.

Lưu Mạnh Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.