Vụ 12 ngư dân đang bị Trung Quốc bắt giữ tại đảo Phú Lâm: Không để thành một tiền lệ xấu

27/06/2009 23:49 GMT+7

Việc 12 ngư dân và 2 tàu đánh cá, trong tổng số 37 ngư dân trên 3 tàu cá của Việt Nam trên đường tránh bão bị hải quân Trung Quốc bắt giữ, hiện đang bị giữ tại đảo Phú Lâm chờ đòi tiền chuộc, một lần nữa lại gây bất an cho ngư dân nhiều tỉnh ven biển miền Trung.

Đề nghị kiên quyết không để ngư dân phải nộp phạt

Chiều 27.6, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sự can thiệp kịp thời của Nhà nước trong việc yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân và tàu cá Việt Nam đã phần nào giúp bà con ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi xa đánh bắt. “UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển nên thành lập các tổ, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó nếu khai thác hải sản ở ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa, thì mỗi tổ, đội phải có ít nhất 5 tàu vừa đánh bắt vừa hỗ trợ lẫn nhau, nếu có vấn đề gì cần nhanh chóng thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng can thiệp”, ông Nhi nói. Đối với 3 tàu, 37 ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ và buộc nộp phạt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Chính phủ kiên quyết không để ngư dân phải nộp phạt vì cứ mỗi lần bị bắt giữ và bị buộc nộp phạt, mới được trả tự do sẽ thành tiền lệ xấu sau này. Ông Nhi nói rằng, tàu đánh bắt xa bờ không chỉ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, giúp ngư dân làm giàu trên biển mà sự hiện diện của các tàu cá còn khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong vùng lãnh hải của mình trên biển Đông. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho các tàu thuyền đánh bắt khơi xa.

Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết huyện đã dự tính sẽ cử tàu ra đón các ngư dân, lai dắt 2 tàu cá ngay sau khi phía Trung Quốc trao trả bằng đường biển, để họ nhanh chóng đoàn tụ với gia đình. Trường hợp nếu 2 tàu cá bị hư hỏng nặng sẽ có phương án khắc phục. Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng cũng đã đến từng gia đình những ngư dân đang bị bắt giữ để thông báo tình hình, động viên bà con... Còn theo ông Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã An Hải (Lý Sơn): “Mấy ngày qua, phía Trung Quốc cho phép một số ngư dân đang bị giam giữ ở đảo Phú Lâm gọi điện về gia đình, nhưng khi gọi lại thì không liên lạc được”.

Còn đó những nỗi lo

Đang mùa cá, nhưng hàng trăm tàu công suất lớn của ngư dân các phường trên địa bàn Quy Nhơn (Bình Định) chen chúc nhau nằm bờ. Theo phản ánh của ngư dân, tàu nằm bờ phần vì ngư trường ngày càng hiếm cá, phần vì phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trước, khi liên tục nhiều tàu cá của ngư dân nước ta bị Trung Quốc rượt đuổi tịch thu cá, vây bắt, giam giữ đòi tiền chuộc. Trước việc 3 tàu đánh cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ, nhiều ngư dân chuẩn bị ra khơi bày tỏ: “Một tàu đánh bắt với hơn 10 thuyền viên hành nghề vài ba tuần trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chi phí hơn 100 triệu đồng. Những tháng sắp tới là mùa đánh bắt chính của ngư dân và cũng là khoảng thời gian thường xảy ra mưa bão. Khi đang hành nghề lỡ gặp bất lợi về thời tiết, ngư dân thường phải vào quần đảo Hoàng Sa trú ẩn, chạy về đất liền thì sẽ không an toàn vì chặng đường xa hơn, và hướng bão cũng hay đổ bộ vào đất liền. Nếu như sự cố ngư dân Lý Sơn bị bắt trên đường đi tránh bão cứ tiếp diễn, thì ngư dân sẽ đối mặt với rất nhiều hiểm nguy...”.

Theo khuyến cáo, hầu hết ngư dân các tỉnh miền Trung đều thành lập tổ, đội tàu thuyền đánh bắt an toàn trên biển. Điều này thật sự có ý nghĩa và mang lại lợi ích nhiều mặt, nhưng qua một số vụ việc đã xảy ra gần đây, khả năng tự vệ của ngư dân (dù cùng đi trong tổ, đội) rất hạn chế. Tàu nước ngoài có công suất lớn, trang bị vũ khí nên khi bị đe dọa, áp chế, thì phần thua thiệt thuộc về ngư dân và tàu cá Việt Nam. “Bà con ngư dân rất muốn biết chính xác đánh bắt cá ở những tọa độ nào thì không bị nước ngoài đe dọa, rượt đuổi; để không còn tiếp tục xảy ra những sự cố đáng tiếc dẫn đến thiệt hại về tài sản, tiền của. Cần sớm có một hành lang ngư trường an toàn nhằm giúp ngư dân an tâm khi hành nghề đánh bắt trên biển”, một ngư dân đưa ra kiến nghị.

Còn một thực trạng nữa là hệ thống liên lạc trang bị trên tàu của ngư dân các tỉnh miền Trung chưa có sự thống nhất chung, có trường hợp không đăng ký tần số... nên việc liên lạc giữa tàu cá bị nạn với các tổng đài nhiều lúc không được thông suốt. Bình Định là một trong số ít địa phương trang bị hệ thống quản lý thông tin và giám sát tàu cá kiểu như bộ đàm tầm xa (trên 2.000 km), thuận lợi trong việc cung cấp thông tin thời tiết, ngư trường... Nhưng lúc xảy ra sự cố, việc cứu hộ từ đất liền cũng ít khi mang lại hiệu quả, vì “nước xa không cứu được lửa gần”. Như huyện Hoài Nhơn, địa phương có đội ngũ tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất tỉnh Bình Định, với khoảng 1.700 phương tiện, trong những năm qua đã có hàng chục tàu khi hành nghề quanh khu vực biển Hoàng Sa - Trường Sa bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện, buộc phải nộp phạt... Theo UBND huyện Hoài Nhơn, trên địa bàn huyện hiện còn 7 tàu với hơn 50 lao động đang bị nước ngoài bắt giữ. Ông Trần Hữu Hộ, Phó chủ tịch UBND Hoài Nhơn, cho biết khi xảy ra việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, địa phương “chỉ biết kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết, chứ khả năng của địa phương thì không thể giúp được nhiều cho ngư dân”.

 

Vô lý và vô nhân đạo

12 ngư dân đảo Lý Sơn đang bị Trung Quốc bắt giữ làm con tin tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam) với “hạn trong 10 ngày phải giao nộp 210.000 nhân dân tệ (khoảng 540 triệu VND) mới được thả về” đang gây bức xúc không chỉ cho ngư dân Lý Sơn, ngư dân Quảng Ngãi mà còn cho tất cả mọi người dân Việt Nam lương thiện và ý thức được chủ quyền quốc gia.

Điều vô lý khi 37 ngư dân đảo Lý Sơn trên ba chiếc thuyền ra khơi đánh cá ở một ngư trường quen thuộc với họ, thuộc chủ quyền quốc gia của họ, và khi đang trên đường đi tránh bão thì bị tàu Trung Quốc đuổi bắt. Khoan hãy nói chuyện họ đánh được bao nhiêu cá, mà trong lúc họ chạy bão, thì dù là phương tiện quân sự hay dân sự của bất cứ quốc gia nào cũng sẵn sàng hỗ trợ cho họ trên biển cả theo đúng tinh thần nhân đạo của công pháp quốc tế. Vậy mà những ngư dân đảo Lý Sơn chẳng những không được giúp đỡ, còn bị đuổi bắt, không được một “bàn tay hữu hảo” nào chìa ra, còn bị giữ và bị bắt phải ký vào những hóa đơn “phạt vạ” hết sức vô lý với số tiền quá sức so với khả năng tài chính của họ.

Chỉ cách đây chưa đầy nửa tháng, hai chiếc tàu Trung Quốc thả neo “núp” ngay vùng biển Đại Lãnh của Việt Nam, danh chính ngôn thuận là xâm phạm sâu vùng lãnh hải của Việt Nam, nhưng sau khi bị bắt và đã ký xác nhận vi phạm, họ đều được thả về và chỉ phải đóng một số tiền nộp phạt rất tượng trưng, rất ít ỏi. Khoan hãy xét hai chiếc tàu ấy thả neo ở vùng biển VN với mục đích gì, nhưng vì tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng “núi liền núi sông liền sông”, nhà đương cục Việt Nam đã đối xử với họ rất nhân đạo và trên tinh thần hữu nghị. Trong khi đó, giữa biển khơi của quần đảo Hoàng Sa, lúc cơn bão đang ập tới, khi chuyện cứu người cứu thuyền trở nên vô cùng cấp thiết, thì tàu hải quân Trung Quốc lại làm một chuyện xưa nay chưa ai làm là đuổi bắt thuyền ngư dân Việt Nam đang sợ hãi chạy trốn cả bão lẫn bạn. Bắt và phạt vạ! Sau khi thả 25 ngư dân đảo Lý Sơn trở về với 3 tờ “biên bản phạt vạ” lên tới hơn nửa tỉ VND, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục “giữ làm con tin” 12 ngư dân Lý Sơn và hai chiếc thuyền đánh cá với lời hẹn: trả tiền nộp phạt mới thả người!

Ngư dân Việt Nam là những người đánh cá hiền lành lương thiện và yêu hòa bình, trọng tình nghĩa với những người bạn láng giềng trên biển cả. Họ không hề “xâm phạm chủ quyền” cũng không hề gây hấn với ai, họ chăm chỉ lao động trên biển để nuôi sống gia đình vợ con họ. Không thể coi họ là “con tin” hay tự cho mình quyền là “hải tặc” để bắt giữ họ vô cớ, vô lý, trái với công pháp biển quốc tế. Những ngư dân đảo Lý Sơn ấy họ nghèo lắm! Nếu cứ mỗi lần ra khơi lại bị đuổi bắt, bị buộc phải nộp phạt những số tiền khổng lồ như vậy đối với khả năng tài chính của họ, thì họ biết sống thế nào đây?

Thanh Thảo

            Nhóm phóng viên VP Bình Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.