Chỉ giả mạo xuất xứ
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM - cho biết sẽ đưa 312.000 ĐKĐT vào sử dụng lại sau khi hoàn tất các thủ tục xử lý nguồn gốc xuất xứ, phê duyệt mẫu và kiểm định ban đầu. Dự kiến sẽ gắn thí điểm cho khách hàng trong 3 tháng, sau đó đánh giá kết quả để tiếp tục triển khai rộng trên toàn địa bàn TP.HCM.
Theo ông Lý, khi vụ ĐKĐT xảy ra năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) thực hiện kiểm tra, thẩm định chất lượng ĐKĐT LTE66. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học - Công nghệ, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM và Tổng công ty Điện lực VN (nay là Tập đoàn Điện lực VN).
Kết quả kiểm tra cho thấy, các bo mạch của ĐKĐT có cùng nguồn gốc xuất xứ từ hãng chuyên sản xuất điện kế là Công ty Vũ Năng (Nam Kinh, Trung Quốc), được sản xuất đồng bộ trên dây chuyền sản xuất hiện đại, được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, các linh kiện điện tử để sản xuất ĐKĐT có nguồn gốc từ các hãng của Mỹ, Na Uy, Thụy Sỹ... Các chỉ tiêu thử nghiệm đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn IEC 61036:2000. Theo kết luận của đoàn kiểm tra, ĐKĐT LTE66 chỉ giả về nguồn gốc xuất xứ (được lắp ráp tại Việt Nam bởi Công ty Linkton Vina chứ không phải Linkton Singapore), còn chất lượng vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường điện năng.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã có công văn số 2199/TTg cho phép đưa ĐKĐT LTE66 vào sử dụng. Tiếp đó, ngày 5.1.2009, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN triển khai việc lắp đặt lại ĐKĐT và Tập đoàn Điện lực VN chỉ đạo Công ty Điện lực TP.HCM thực hiện các bước đưa ĐKĐT vào sử dụng. Mới đây nhất, TAND TP.HCM cũng tuyên tiêu hủy nhãn mác giả "Linkton Singapore"; Linkton Singapore và Linkton Việt Nam phải liên đới khắc phục sửa chữa các khiếm khuyết, đăng ký kiểm định chất lượng để đưa số ĐKĐT vào sử dụng lại.
Vẫn nghi ngại chất lượng
Theo Công ty Điện lực TP.HCM, trong trường hợp người dân nghi ngờ ĐKĐT đo đếm điện không chính xác, công ty sẽ tiến hành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế ngay. Nếu vẫn không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế, người dân có quyền yêu cầu Sở Công thương kiểm định độc lập. Bên cạnh đó, khi gắn ĐKĐT cho khách hàng, Công ty Điện lực TP.HCM cam kết kiểm tra kỹ sản lượng tiêu thụ của khách hàng, tăng cường kiểm soát việc tính toán lập hóa đơn tiền điện, đảm bảo chính xác. Mọi thắc mắc, khiếu nại của khách hàng sẽ được giải quyết dứt điểm ngay trong ngày. |
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia kiểm định cho rằng, điều kiện bắt buộc để lô hàng có thể được áp dụng quy trình kiểm tra lấy mẫu là lô hàng phải đồng nhất, tức là mỗi sản phẩm của lô hàng được làm từ những chi tiết và nguyên liệu như nhau, trên cùng một dây chuyền sản xuất công nghiệp ổn định, xuất xưởng đồng bộ và chịu chế độ kiểm tra chất lượng thường xuyên trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, số ĐKĐT này không xác định được đã lắp ráp theo dây chuyền nào, dây chuyền đó cũng chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, hơn nữa linh kiện không đồng bộ, xuất xưởng không đồng bộ, lắp ráp nhiều nơi... Vì vậy, không thể kiểm định một số mẫu để đại diện cho toàn bộ lô hàng.
Một vấn đề khác nữa là trong quá trình kiểm tra đã xuất hiện những kết luận trái chiều về chất lượng các ĐKĐT này. Cụ thể, các mẫu ĐKĐT kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 không đạt về chỉ tiêu tương thích điện từ. Đây là một chỉ tiêu rất quan trọng, nếu không đảm bảo thì trong quá trình sử dụng sẽ dễ có những sóng điện từ tác động vào điện kế, làm sai lệch khả năng đo lường của thiết bị. Tuy nhiên, khi đưa các mẫu này đi kiểm định tại nước ngoài (Indonesia, Trung Quốc, Hà Lan) thì được xác định là bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật đo lường của quốc tế và VN.
Cũng không thể không nhắc lại, vào năm 2005, khi Công ty Điện lực TP.HCM bắt đầu triển khai lắp đặt ĐKĐT thì đã xuất hiện hàng loạt ĐKĐT chạy không chính xác, chạy "phi mã". Khi đó, công ty đã phải bồi hoàn khoảng 2,5 tỉ đồng tiền điện cho hơn 21.000 khách hàng. Ngay sau đó, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng yêu cầu tháo gỡ toàn bộ ĐKĐT đã lắp đặt trên lưới.
Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (VINASTAS), để đảm bảo chất lượng và quyền lợi của khách hàng, cần phải kiểm định 100% số ĐKĐT trước khi đưa vào lắp đặt lại. Việc kiểm định phải được thực hiện tại cơ quan đo lường có đủ năng lực và theo đúng quy trình của Bộ Khoa học - Công nghệ.
Phương Thanh
Bình luận (0)