Cấm tiệt tài xế uống rượu bia khi lái xe ô tô: Chưa phạt do... thiếu nhiều thứ

02/07/2009 01:10 GMT+7

Sáng qua 1.7, CSGT nhiều địa phương đồng loạt ra quân triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi). Thế nhưng, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, có rất nhiều hành vi CSGT không xử phạt mà chỉ nhắc nhở người vi phạm... Nghe đọc bài

Một quy định mới được nhiều người quan tâm là cấm tiệt tài xế có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự. Một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công an cho biết CSGT vẫn sẽ xử phạt nghiêm theo quy định cũ (luật chưa sửa đổi cho phép người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu không vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc 40 miligam/1 lít khí thở), với mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Để đảm bảo chế tài, mỗi phòng CSGT các tỉnh, thành phố được trang bị ít nhất 5 máy đo nồng độ cồn.

Thực tế ra sao? Theo số liệu của Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, trong ngày 1.7 CSGT trên toàn quốc xử lý 15.613 trường hợp vi phạm, tạm giữ 38 xe ô-tô, 2.277 mô tô; xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 3,853 tỉ đồng... và không thấy nói có trường hợp tài xế ô tô uống rượu, bia nào bị phạt.

“Trong trường hợp không có thiết bị đo mà phát hiện nghi vấn thì cũng đành bó tay vì không có căn cứ để xử lý”

Một sĩ quan CSGT Công an TP.HCM

“Để xử phạt một trường hợp say rượu trung bình phải mất gần 3 tiếng đồng hồ vì thông thường CSGT hay vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của người điều khiển. Trong điều kiện hiện tại, toàn Đà Nẵng mới chỉ có 4 máy đo nồng độ cồn, nếu thực hiện xử phạt rốt ráo tất cả những trường hợp trên thì sẽ xảy ra tình trạng người vi phạm xếp hàng dài chờ tới lượt… đo, thổi”

Một CSGT Công an TP Đà Nẵng

Nhiều CSGT tại hiện trường cho biết họ không phạt được tài xế xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vì chưa có hướng dẫn quy trình sẽ xử phạt ra sao, trong khi những trường hợp này thường rắc rối, nên “đành lơ”. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác: thiếu thiết bị đo nồng độ cồn.

Tại nhiều chốt, tổ tuần tra của CSGT Hà Nội, PV Thanh Niên cũng không hề thấy trang bị thiết bị này. Tại Nghệ An, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết chưa xử lý tài xế nào vi phạm về uống rượu bia, do phòng “chưa nhận được thiết bị đo nồng độ cồn”.

Còn tại Thái Nguyên, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết được trang bị 3 máy đo nồng độ cồn, nhưng đã hỏng mất một chiếc. Tương tự, tại TP.HCM, đa số CSGT không mang theo máy đo nồng độ cồn để xử phạt và trong ngày 1.7 hầu như không có trường hợp lái xe ô tô nào bị phạt vì có nồng độ cồn trong máu. Hiện mỗi đội CSGT của Phòng CSGT Công an TP.HCM được trang bị 2 máy đo nồng độ cồn (chưa kể có máy đã bị hư), so với mật độ phương tiện như hiện nay thì quá thiếu. “Trong trường hợp không có thiết bị đo mà phát hiện trường hợp nghi vấn thì cũng đành bó tay vì không có căn cứ để xử lý”, một sĩ quan CSGT phân trần.

Tại Đồng Nai, địa phương đầu tiên trong cả nước từng thử nghiệm cách thức lấy máu để đo nồng độ cồn, sau đó phải dừng lại vì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong ngày đầu luật mới có hiệu lực cũng “chờ hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Y tế về cách thức cưỡng người vi phạm cho lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn”. Thượng tá Võ Văn Sáng xác nhận: “Đối với việc xử lý lái xe ô tô và mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn trong người thì đang chờ cấp trang thiết bị kiểm tra và sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới”.

Nơi làm, nơi không

Đà Nẵng: Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an TP, cho biết đến thời điểm hiện tại chưa nhận được bất cứ một văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện, áp dụng xử phạt các hành vi vi phạm giao thông theo luật mới. Do vậy, mặc dù ngày 1.7 luật mới có hiệu lực thi hành nhưng việc ra quân, triển khai xử phạt các hành vi vi phạm theo luật mới vẫn án binh bất động. “Chúng tôi chỉ tiến hành xử lý những trường hợp vi phạm tương ứng với luật cũ, còn các nội dung mới như hành vi vi phạm của xe máy điện, xe đạp máy, MBH trẻ em... thì nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Đến khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể thì mới tiến hành xử phạt được”, ông Đến nói.

Còn một CSGT cho biết công tác xử phạt tài xế có nồng độ cồn đang... tắc vì chưa biết quy trình ra sao. Để xử phạt một trường hợp say rượu trung bình phải mất gần 3 tiếng đồng hồ vì thông thường CSGT hay vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của người điều khiển. Trong điều kiện hiện tại, toàn Đà Nẵng mới chỉ có 4 máy đo nồng độ cồn, nếu thực hiện xử phạt rốt ráo tất cả những trường hợp trên thì sẽ xảy ra tình trạng người vi phạm xếp hàng dài chờ tới lượt... đo, thổi. (V.P.Thảo)

Thừa Thiên - Huế: Trung tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Huế cho biết CSGT chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền. Về trang thiết bị kiểm tra, hiện nay Công an TP Huế chỉ có 2 máy đo nồng độ cồn, nên chỉ kiểm tra đối với những người vi phạm đã được mời về đơn vị, các tổ tuần tra trên đường không thể mang theo để kiểm tra tại chỗ. (Bùi Ngọc Long)

Cần Thơ: Sáng 1.7, Công an TP Cần Thơ đồng loạt ra quân xử phạt vi phạm giao thông theo luật mới. Thế nhưng, CSGT chỉ xử phạt những trường hợp vi phạm lỗi phổ biến, các lỗi mới quy định trong luật mới như ngồi trên xe đạp điện, xe máy điện và trẻ em ngồi trên mô tô, gắn máy không đội MBH... chỉ bị nhắc nhở.

Trong ngày 1.7, lực lượng chức năng ở Cần Thơ cũng triển khai Quyết định 92 của UBND TP Cần Thơ về việc cấm xe công nông tự chế, xe lôi, ba gác... lưu hành trên địa bàn (có hiệu lực từ ngày 30.6), nhưng bị nhiều người dân phản ứng vì cho rằng tuyên truyền chưa sâu rộng, họ không biết. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 106 trường hợp vi phạm, tạm giữ 45 xe ba gác, 12 xe thô sơ... (Mai Trâm)

Sóc Trăng: Theo thượng tá Đặng Hoàng Đa, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Sóc Trăng, trong ngày chưa phát hiện trường hợp lái xe ô tô uống rượu bia. Riêng một số trường hợp điều khiển xe mô tô có uống rượu bia, điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội MBH... lực lượng tuần tra chỉ nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt. Còn theo thượng úy Phan Đức Lợi, Đội trưởng đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Sóc Trăng, “cái khó hiện nay ở địa phương là trang thiết bị phục vụ công tác chưa đầy đủ, nhất là cấp huyện. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, CSGT đường bộ Sóc Trăng sẽ được đầu tư trang bị thêm 12 máy đo nồng độ cồn, chủ yếu là cho tuyến huyện”. (Phương Châu)

Mũ bảo hiểm cho trẻ em: “Biết, nhưng quên đội”

Từ 5 giờ sáng qua, hàng trăm CSGT Hà Nội có mặt tại đơn vị để chuẩn bị lễ ra quân cho ngày đầu tiên Luật GTĐB sửa đổi có hiệu lực. Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, khẳng định mặc dù chế tài áp dụng cho luật mới chưa đầy đủ nhưng CSGT đã được tập huấn khá kỹ nên sẽ không xảy ra hiện tượng lúng túng khi xử lý các trường hợp vi phạm.

Thế nhưng, ghi nhận của PV Thanh Niên, trong khi xử lý khá nghiêm trường hợp người lớn ngồi trên xe mô tô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không cài quai, một số ô tô vi phạm về đậu đỗ trái quy định... CSGT lại chỉ nhắc nhở những trường hợp đi xe đạp điện hoặc trẻ em ngồi trên xe không đội MBH. Trung tá Nguyễn Trọng Nho, quyền Đội trưởng Đội CSGT số 3, giải thích: “Do chưa có nghị định xử phạt nên lực lượng CSGT chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người điều khiển xe hai bánh nên đội MBH cho trẻ”.

Tại Đồng Nai, ghi nhận của PV Thanh Niên trên đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa, trong khoảng 1 giờ, CSGT dừng hơn 50 trường hợp đi xe đạp điện không đội MBH, đa số là học sinh lứa tuổi từ 12 đến 18 và đều trả lời “biết quy định mới bắt buộc phải đội MBH nhưng quên đội”. “Một số hành vi vi phạm mới do chưa có hướng dẫn xử phạt nên chủ yếu nhắc nhở người vi phạm”, trung tá Đinh Văn Đỗ, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, giải thích.

Thượng tá Võ Văn Sáng, Phó giám đốc Công an Đồng Nai, cũng xác nhận: “Trước mắt lực lượng CSGT tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xử lý kết hợp tuyên truyền các quy định của luật mới. Nếu có vi phạm theo luật mới thì chỉ nhắc nhở”...

T.S - Đ.H - H.T

Thái Sơn - Đàm Huy - Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.