Thuê một căn nhà yên tĩnh trong con hẻm cụt ở đường Phan Kế Bính, quận 1, TP.HCM, để đặt trụ sở công ty, Nghĩa bảo “nó gần khi em từ nhà ở quận 2 sang, nhưng quan trọng nhất là nó cực kỳ yên tĩnh”.
Hôm tôi đến, Nghĩa chỉ còn lại vài giờ để lo thu xếp hành lý, cắt đặt công việc cho nhân viên ở nhà, chuẩn bị cho chuyến bay một tuần đến Paris. Nhưng chàng kiến trúc sư “bay như chim” và đang trở thành “sao” trong làng kiến trúc này vẫn không có biểu hiện gì để khách thấy mình bận rộn.
Từ khi hay tin “Phương án thiết kế trường ĐH Kiến trúc TP.HCM” của Nghĩa tiếp tục vượt qua tác phẩm của 5.000 kiến trúc sư trên toàn thế giới để giành giải bạc Holcim toàn cầu hồi cuối tháng 5.2009, với số tiền lên đến 200 ngàn USD, thực lòng mà nói tôi đã nghĩ đến cuộc tiếp cận riêng tư này với Nghĩa. Không phải tại một góc bàn ở khách sạn New World nhìn chéo sang “rừng” cây quý hiếm của thành phố trong Công viên 23.9 như những buổi sáng cuối tuần thuở nào. Cũng không phải trong tiếng nhạc du dương quán cà phê chiều chạng vạng Nghĩa thường thư giãn. Mà ở ngay tại “tổng hành dinh”, nơi chàng trai trẻ này là ông chủ, nườm nượp khách hàng và chộn rộn nhân viên, để cảm nhận hết không khí “cày” và đam mê sáng tạo mãnh liệt của anh.
Võ Trọng Nghĩa tại phòng làm việc của công ty ở đường Phan Kế Bính, Q.1 - Ảnh: V.Khối |
Độc thân, giàu có, tài năng, nhưng chàng trai trẻ này “nhìn đời” không giống như nhiều bạn trẻ thành đạt khác mà tôi từng có dịp tiếp xúc. Thừa những cơ hội để làm việc và định cư ở nước ngoài nhưng với Nghĩa, dường như “những gì dễ thương nhất” đều thuộc về quê hương. Ngay cả tuổi thơ cơ cực ở vùng quê gió Lào Quảng Bình, với những đêm nóng bức không tài nào chợp mắt được, với những ngày phải kiên nhẫn búng từng giọt nước giải nhiệt để “điều hòa” cho góc học tập nhỏ bé của mình thoát khỏi cơn giận dữ của trời đất... giờ đây Nghĩa cũng bảo là “dễ thương”.
“Nước và gió đã đi vào máu thịt từ lúc nào không thể nhớ. Chỉ biết là tuổi thơ của Nghĩa, có những lúc hai thứ đó còn quý hơn cả cơm gạo. Đói có thể ăn thứ này thứ khác để bù đắp, nhưng nóng bức thì không thể chịu được”, Nghĩa tâm sự. Công khai công thức thiết kế của mình là wNw (tức Wind and Water – gió và nước), Nghĩa mải mê tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất cho các công trình “tận dụng nguồn lực thiên nhiên phong phú”. Từ “đô thị của gió và ánh sáng” đến “Cà phê Gió và Nước” ở Bình Dương rồi “phương án thiết kế trường Đại học Kiến trúc TP.HCM”, người ta đều thấy chàng kiến trúc sư trẻ này “không giống ai” khi tìm cách “bắt” những thứ của trời phải chui vào các công trình nguy nga làm nhiệm vụ điều hòa thay cho hệ thống máy lạnh tiêu tốn điện năng.
* Sau công trình Trung tâm Văn hóa Cà phê Trung Nguyên Hà Nội, người ta thấy Nghĩa đang mày mò “cái gì đó” ở TP.HCM?
- Giữa tháng 9 tới Nghĩa sẽ khai trương nhà hàng Gió và Nước (wNw restaurant). Nghĩa mua lại quyền kinh doanh ở số 87 Lý Chiêu Hoàng, quận 6, mặt tiền quá đẹp. Anh biết Nghĩa làm gì không? Nhà hàng tiệc cưới. Nghĩa làm bằng tiền của mình, không vay, và Nghĩa sẽ cho mọi người thấy ở đây một sự bất ngờ: không gian tuyệt vời, dịch vụ tốt, giá hợp lý.
Phối cảnh wNw restaurant tại 87 Lý Chiêu Hoàng, Q.6
* Đang nổi như cồn vì những giải thưởng thiết kế, tự dưng lại đi cạnh tranh với mấy ông nhà hàng?
- Đây cũng là một cách làm từ thiện. Làm sao để những bạn trẻ, với mức thu nhập không cao lắm, có thể đàng hoàng tổ chức tiệc cưới ở một nơi sang trọng, dịch vụ tốt không thua gì những nhà hàng khách sạn 5 sao, đó là điều Nghĩa và công ty của Nghĩa hướng tới. Nghĩa rất tâm đắc với wNw restaurant. Nó có thể tiếp đãi cùng lúc khoảng 4.000 thực khách, với 6 sảnh tiệc, quy mô cực lớn. Và trong vòng 4 năm tới, công ty của Nghĩa sẽ nhân lên 10 nhà hàng như vậy.
* Người ta sẽ hình dung là trong 10 năm tới chỉ có thể gặp kiến trúc sư “gió và nước” ở nhà hàng đám cưới?
- Đó chỉ là một phần trong hoạt động của công ty. Riêng Nghĩa thì không bao giờ từ bỏ đam mê sáng tác. Làm sao để ở những nơi ít người ngờ tới nhất, không phải chỉ tại Việt Nam mà ngay cả những quốc gia phát triển hơn mình, Nghĩa đều “cắm” được những công trình mang thương hiệu Việt Nam. Nghĩa đi Pháp chuyến này cũng vì một dự án thiết kế lớn ở Paris.
Sinh năm 1976, là con trai út trong một gia đình 7 anh em ở một xã nghèo trên đường Trường Sơn thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Võ Trọng Nghĩa giành được học bổng sang Nhật du học và theo ngành kiến trúc của Đại học Công nghiệp Nagoya. Năm 1999, Nghĩa đoạt giải vàng thiết kế dự thi của Susuki, mở ra bước ngoặt "mưa" giải thưởng cho những năm sau này. Chỉ có thể liệt kê những giải thưởng chính như sau: |
Võ Khối
Bình luận (0)