“Hết đường cứu rồi. Chỉ đợi... ông trời thôi” - một nông dân ở xã Vĩnh Bình Bắc (H.Vĩnh Thuận) vừa nói vừa thở dài nhìn đồng lúa của mình đang dần ngả sang màu vàng cháy. Dọc theo quốc lộ 63 địa bàn huyện Vĩnh Thuận, cả cánh đồng rộng lớn đang trở thành “tấm da beo” với màu xanh lốm đốm giữa nền vàng lúa “cháy”. Nắng hạn gay gắt khiến lúa chết khô nhưng nông dân không thể dẫn nước từ các kênh mương lên đồng do nước ở đây đang nhiễm mặn. Tình cảnh khó khăn ấy đã kéo dài nhiều ngày nay trên đồng lúa thuộc các huyện phía nam tỉnh Kiên Giang, gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Diện tích lúa chết vàng đang rộng ra từng ngày, trong khi những cơn mưa nhỏ không thấm vào đâu trên cánh đồng đất khô cứng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Phú Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận cho biết, nắng hạn đã làm lúa hè thu trên địa bàn huyện thiệt hại nặng, trong đó gần 300 ha bị chết trắng, đáng kể là diện tích lúa cao sản ở các xã Vĩnh Thuận, Tân Thuận, Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam. Ngoài ra, còn một diện tích lớn lúa bị thiệt hại khắp nơi trong huyện chưa thể thống kê, nhưng chắc chắn là năng suất sẽ rất thấp. Còn ông Nguyễn Hồng Mão, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện U Minh Thượng cho hay đã có 341 ha lúa trên địa bàn huyện bị chết. Huyện chỉ thống kê những cánh đồng thiệt hại nặng, còn thiệt hại từ 50 - 60% là “chưa tính”. Trước tình hình đó, huyện chỉ còn cách thương lượng với các điểm bán lúa giống cho nông dân bị thiệt hại đợt này “mua chịu” giống để tiếp tục sạ lại, mặc dù ông Mão thừa nhận sạ lại trong thời điểm này là đã trễ.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, tình hình nắng hạn đã làm cho trên 8.000 ha lúa hè thu ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận bị chết khô, trong đó trên 1.000 ha lúa bị thiệt hại từ 50% trở lên, diện tích còn lại thiệt hại từ 30 - 50%. Đối với những hộ bị thiệt hại nặng, Sở NN&PTNT kiến nghị tỉnh hỗ trợ lúa giống từ nguồn giống dự trữ để nông dân gieo sạ lại. Những hộ bị thiệt hại nhẹ thì hướng dẫn bà con tiếp tục chăm sóc, khi nào trời mưa thì tiến hành bón phân và cấy dặm lại. Đây không phải là năm đầu tiên lúa ở các huyện phía nam tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do khô hạn. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi ở khu vực này chưa hoàn chỉnh, trong khi công trình thủy lợi ở hai huyện An Minh và An Biên được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ đang được triển khai rất chậm.
Bài, ảnh: Tiến Trình
Bình luận (0)