Chưa đồng thuận phương án “đường bay vàng”

10/07/2009 00:38 GMT+7

Chỉ là cuộc gặp mặt trao đổi (sáng 9.7 tại Cảng vụ Hàng không miền Nam) nhưng diễn ra khá căng thẳng giữa đại diện Cục Hàng không dân dụng VN và ông Mai Trọng Tuấn (tác giả đề án nên mở đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM theo kinh tuyến 106 độ Đông).

Theo ông Mai Trọng Tuấn (nguyên phi công quân đội nhân dân VN), sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, việc mở đường bay trục Bắc - Nam (và duy trì như hiện nay) là đúng, vì khi đó, tình hình Campuchia, Lào chưa ổn định. Còn hiện nay, đường bay này nên thay đổi. Theo ông Tuấn là nên bay thẳng theo trục kinh tuyến 106 độ Đông.

Lợi ích từ đường bay mới

Về mặt lợi ích, ông Tuấn lập luận: những điều kiện kỹ thuật mới của máy bay hiện nay (chở nhiều khách, lấy độ cao và giảm độ cao nhanh, thiết bị trong buồng lái hiện đại và trang bị rada tiên tiến, định vị qua vệ tinh...); vấn đề cứu hộ, cứu nạn dễ dàng hơn so với đường bay trên biển (đường bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông hầu hết nằm trên mặt đất); lợi ích về kinh tế do tiết kiệm thời gian, xăng dầu... đều hoàn toàn phù hợp để mở đường bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông.

Vấn đề vướng mắc là đường bay nội địa nhưng máy bay phải bay qua không phận của Lào và Campuchia (chưa kể một số khu vực huấn luyện quân sự ở trong nước). Ông Mai Trọng Tuấn nhận xét: nếu có sự hợp tác của ngành hàng không 3 nước sẽ tạo ra một không gian mở rộng cho cả 3 (bởi Lào, Campuchia cũng có nhu cầu bay về phía Đông, hoặc các nước Đông Bắc Á), rất thuận lợi cho phát triển ngành hàng không của 3 nước. Ông Tuấn cũng cho rằng, phí phải nộp khi bay qua FIR (vùng thông báo bay) nước bạn không tốn bằng mua xăng dầu để khai thác đường bay hiện nay. Bên cạnh đó, nếu bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông thì khoảng cách Cần Thơ về Hà Nội còn gần hơn cả TP.HCM về Hà Nội.

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Nhưng ông Bùi Văn Võ (Trưởng ban quản lý hoạt động bay - Cục Hàng không VN) đánh giá: Việc mở đường bay theo đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn nếu cân nhắc về mặt lợi ích kinh tế, thì việc tiết kiệm không nhiều, rồi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, và nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Chưa kể đường bay dọc kinh tuyến 106 độ Đông còn vướng một số khu vực liên quan an ninh quốc phòng, và qua không phận Lào, Campuchia.

Đứng ở khía cạnh doanh nghiệp, một chuyên gia của Vietnam Airlines tính toán: Đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện tại dài 1.265 km, bay bằng máy bay Boeing 777 mất 1 giờ 37 phút. Giả định nếu bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông thì đường bay dài 1.154 km, Boeing 777 bay mất 1 giờ 30 phút. Tuy nhiên, nếu so sánh toàn bộ giữa tiết kiệm chi phí, xăng dầu... từ việc khai thác đường bay dọc kinh tuyến 106 độ Đông, và việc phải trả thêm tiền phí khi bay qua không phận Lào, Campuchia thì tiền tiết kiệm được là nhỏ. Nếu bay với các máy bay A320, việc tiết kiệm được còn ít hơn. Nhưng ông Mai Trọng Tuấn nhìn khác hơn: Việc tiết kiệm đối với doanh nghiệp hàng không tuy nhỏ, nhưng tiết kiệm thời gian đi lại đối doanh nhân, người dân... tính trên số lượng nhiều còn lớn hơn, dẫn đến những tiết kiệm vô hình rất lớn. Bởi thế ông Tuấn còn đặt tên đường bay này là "đường bay vàng".

Trước sự chưa thống nhất nhau quan điểm về mở đường bay mới, ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm. Ông Thanh cũng hé lộ thông tin, đường bay thẳng dọc kinh tuyến 106 độ Đông cũng trùng với đường bay xuyên 3 quốc gia mà ngành hàng không 3 nước đang xúc tiến hợp tác mở ra.

Trần Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.