Di sản quốc gia bị rẻ rúng

10/07/2009 14:29 GMT+7

Một ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đang bị xuống cấp nghiêm trọng ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Chùa bị “làm mới”

Chùa Linh Tiên (thuộc làng Hội Xá, xã Hội Xá, huyện Gia Lâm cũ, nay thuộc P.Phúc Lợi, Q.Long Biên, Hà Nội) đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1995. Vào thời điểm đó, chùa còn lưu giữ được hệ thống kiến trúc (tòa Tam bảo) và hệ thống tượng, đồ thờ, chuông, bia niên đại trải dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Đặc biệt, chùa có bộ tượng Tam thế Phật được đánh giá là “độc nhất vô nhị”. Theo hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia, bộ Tam thế này vừa mang nét phong cách nghệ thuật phương Nam, lại gần với nghệ thuật Ấn Độ. Tượng để hở nửa ngực, vai và cánh tay bên phải; các nếp áo uốn lượn mềm mại, thể hiện chiều sâu suy tư. Đài sen của cả 3 pho tượng đều mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (nửa cuối thế kỷ 16 - nửa đầu thế kỷ 17). Tiếc rằng 9 năm trước, ba pho tượng Tam thế đặt trên ba bệ tượng đều đã bị đánh cắp.

“Chưa bao giờ và chưa ở đâu lại có sự ứng xử tàn bạo với di tích như thực tế hiện nay ở Hội Xá, thuộc nội thành thủ đô ngàn năm văn vật” - PGS-TS Trần Lâm Biền
Chùa Linh Tiên có kết cấu hình chữ “đinh” bao gồm Tiền đường (5 gian) và Phật điện. Nhưng đến nay, 3 gian phía bên trái của Tiền đường đã bị đổ sụp, chỉ còn lại 2 gian phía bên phải. Cửa phía trước của tòa Tiền đường thì chắp vá bởi những thanh gỗ khác nhau. Pho Khuyến thiện niên đại thế kỷ 19 bị bật cả đế lên và đổ nghiêng về phía sau. Pho Trừng ác phía bên phải lại đổ nghiêng về phía trước và bị gãy một cánh tay. 9 pho Thập điện Diêm vương thì ở các tư thế nghiêng ngả. Mùa mưa năm 2008, mái ba gian giữa cũng bị “thông thiên", hệ thống tượng do bị mưa nắng xói mòn đã xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng kinh ngạc là thay vì tu bổ, sửa sang ngôi chùa cũ, năm 2000 - 2001, nhà chùa và người dân trong vùng lại quyên tiền để xây mới một ngôi chùa cao 2 tầng bề thế. Tam bảo mới xây của ngôi chùa mới không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào. Công trình xây dựng không phép này đã vi phạm pháp luật hiện hành, lại nằm trong khu vực bảo vệ I (tức khu vực bất khả xâm phạm được ghi rõ trong hồ sơ xếp hạng di tích của Bộ VH-TT-DL), phá vỡ cảnh quan gốc, kể cả không gian hình thức và không gian tâm linh của chùa.

 Mái của chùa Linh Tiên bị “thông thiên” mà chẳng ai quan tâm

Mái của chùa Linh Tiên bị “thông thiên” mà chẳng ai quan tâm

Chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, còn các chuyên gia Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) thì đến bây giờ mới biết “sự cố” này. “Chưa bao giờ và chưa ở đâu lại có sự ứng xử tàn bạo với di tích như thực tế hiện nay ở Hội Xá, thuộc nội thành thủ đô ngàn năm văn vật. Người ta truất ngôi của “ông già”, viết giấy khai tử cho ông, bằng cách đặt ngay sát ông một “thằng bé” vô hồn lai căng vô lối: chẳng phải Tây, không phải Tàu và chỉ “giả vờ” là Việt Nam”, PGS-TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL) thốt lên.

 Tượng hộ pháp đổ nát

Tượng hộ pháp đổ nát

Đình cũng chẳng còn

Trong cuộc gặp với chính quyền và người dân Hội Xá mới đây, các nhà khoa học và quản lý di tích đều bày tỏ sự “đau lòng”, “chua xót” trước thực trạng của cụm di tích chùa Linh Tiên và đình Hội Xá. Ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội đã yêu cầu UBND Q.Long Biên phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và phối hợp với các chuyên gia tư vấn, bảo tồn để lập quy hoạch tổng thể mặt bằng cho cụm di tích, đồng thời lên phương án tôn tạo lại ngôi chùa chính và ngôi đình đã hư hỏng nghiêm trọng. Riêng với ngôi chùa 2 tầng mới, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) sẽ cân nhắc để có hình thức xử lý thích hợp, thậm chí có thể tính tới phương án phá bỏ.

Đình Hội Xá (có từ thời Lê) nằm cạnh chùa Linh Tiên, tạo thành quần thể di tích. Theo hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994 thì đình Hội Xá vẫn còn khá vững chãi. Các bức ảnh chụp cho thấy đình được dựng với mặt bằng chữ “nhị”, có cánh cửa đề 3 chữ “Phúc Thọ Môn”. Nóc của đình được chạm trổ kỹ lưỡng với các họa tiết vân xoắn, lá cúc cách điệu... Ngoài ra, trong đình còn nhiều ngai, bài vị, y môn và một số đồ thờ tự mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Đáng chú ý là 2 bức phù điêu hình chữ nhật chạm rồng nổi. Còn theo tư liệu của PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học), đình Hội Xá là một trong những ngôi đình thuộc loại bề thế ở miền Bắc. Thế nhưng, tới nay, ngôi đình gốc này cũng không còn vì người dân đã tự tiện dỡ ra để làm mới. Giờ đây, đình Hội Xá chỉ còn trơ lại một ngôi nhà nhỏ, được làm theo kiểu chữ “đinh”, ba gian tường hồi, bào trơn đóng bén, chẳng khác gì một ngôi miếu!

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.