Mụn cóc tái phát

13/07/2009 10:57 GMT+7

Tôi 24 tuổi, bị mụn cơm cách đây sáu tháng, có bốn nốt sần lên, một nốt có đầu đen như mụn ruồi. Tôi đã đi đốt điện hai lần mà không khỏi. Xin bác sĩ chỉ giúp cách trị nào khác để không bị tái phát? (Takimkhoa@... )

- Bệnh mụn cóc (mụn cơm) là do sự tăng sản lành tính của lớp thượng bì của da. Bệnh lây do loại virus có tên là papovavirus, thuộc nhóm HPV (human papillomavirus). Vi tổn thương thường có dạng như da con cóc nên được gọi là mụn cóc (chứ không phải do cóc lây!).

Bệnh lây qua da bằng hai cách:

- Trực tiếp do tiếp xúc với da. Những tổn thương nhỏ trầy xước dễ tạo điều kiện do virus xâm nhập.

- Gián tiếp: qua trung gian đồ dùng, áo quần. Trong gia đình, trường học có thể có nhiều người bị lây mụn cóc. Các bác sĩ, y tá đốt điện mụn cóc cũng có thể bị lây từ bệnh nhân.

Những người có sự suy giảm miễn dịch như bị bệnh AIDS, ghép tạng dễ bị mụn cóc nhiều và lan rộng hơn.

Có hai dạng mụn cóc thường gặp:

- Dạng mụn cóc thông thường là một hoặc nhiều cục sẩn cứng nhô trên da, mặt sần sùi, màu xám, hình tròn, kích thước từ 2mm đến hơn 10mm. Có thể gặp bất cứ vùng nào trên da, thường gặp ở tay, chân. Khi mụn cóc mọc ở dưới lòng bàn chân, dưới móng tay, móng chân thì thường gây đau nhói khi đụng vào. Dạng mụn cóc này thường lây lan chậm.

- Dạng mụn cóc phẳng là những sẩn nhỏ hơi nhô cao trên mặt da, kích thước 1-5mm, màu vàng nâu, hình tròn, bề mặt trơn láng. Loại mụn cóc này lây lan nhanh nên thường có nhiều, có khi thành vệt dài, vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt, cổ.

Ngoài ra có thể gặp mụn cóc ở dạng khác như:

- Mụn cóc mosaic (mosaic warts) là mụn cóc mọc từng chùm gai ở lòng bàn chân.

- Mụn cóc mọc ở bộ phận sinh dục nam hoặc nữ, quanh hậu môn giống như mào gà.

Điều trị:

- Vì đây là bệnh gây ra do virus nên có khi bệnh tự nhiên khỏi không để lại dấu vết gì, tuy nhiên trường hợp này ít xảy ra, càng để lâu mụn cóc có thể càng lan nhiều hơn, do đó cần điều trị càng sớm càng tốt.

- Có nhiều phương pháp gọi là chữa mẹo trong dân gian nhưng chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn.

Hiện nay người ta dùng phương pháp phá hủy gốc mụn cóc như:

- Chấm thuốc có chứa chất acid salicylic và acid lactic trong dung dịch dạng keo như: Duofilm, Collomack, Compound W...

- Chấm acid trichloracetic 50%.

- Cắt rồi đắp tinh thể thuốc tím.

- Chấm nitơ lỏng.

- Đốt điện bằng máy đốt điện thông thường hoặc máy laser.

- Trong trường hợp khó khăn có thể tiêm tại chỗ Bleomycin hoặc Interferon,

- Đông y: chà xát lá tía tô nhiều lần.

Cũng có nhiều trường hợp sau khi đốt điện hoặc đốt laser CO2 xong vẫn bị nổi lại là do đốt chưa hết, hoặc mụn cóc còn quá nhỏ mà mắt thường không thấy hay bị lây nhiễm lại. Do đó bạn nên tái khám khi thấy xuất hiện mụn cóc mới, càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.