Tại Hà Nội, những cơn mưa lớn liên tiếp trút nước xuống từ buổi sáng kéo dài đến gần 14 giờ mới ngớt. Lượng mưa đo được tại H.Chương Mỹ là 111 mm, H.Thanh Oai 105 mm... Mưa lớn đã gây ra một loạt các điểm ngập úng cục bộ trên đường Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Khuyến, Phùng Hưng, Quán Thánh, Cao Bá Quát, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Lĩnh Nam, Ngọc Lâm... với mức nước trung bình từ 0,25 - 0,35m và gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Ngày 13.7, một cơn lốc xoáy làm tốc mái 8 gian hàng quán và công trình phụ của người dân xã Văn Khê (H.Mê Linh, Hà Nội). Cũng tại xã này, bà Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi) bị sét đánh chết. Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 12.7, anh Phạm Văn Phong (sinh năm 1985, ở thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy, TP Hải Phòng) bị sét đánh chết trong lúc ra biển cào ngao. |
Công ty TNHH nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội đã huy động trên 1.000 công nhân cùng toàn bộ thiết bị cơ giới tiến hành thông các điểm ngập úng, 11/11 tổ máy của trạm bơm Yên Sở vận hành hết công suất tiêu úng cho nội thành. Đến 15 giờ 45 phút, các điểm úng trên địa bàn mới rút hết nước, giao thông trở lại bình thường.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão TP Hà Nội cho biết tính đến 16 giờ cùng ngày tại các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh đã có tới 1.730 ha lúa và hoa màu bị ngập. Hiện các công ty thủy lợi của TP Hà Nội đang cố gắng tổ chức tiêu nước cứu lúa và hoa màu.
Mưa lớn cũng đã gây ngập gần 23.000 ha lúa và hoa màu của người dân Nam Định. Tại H.Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) có 3 ngôi nhà và 1 phòng học bị tốc mái, 69 ha hoa màu bị hư hại. Lũ quét và sạt lở đất đã vùi lấp tổng cộng 15.600m2 diện tích cây nông nghiệp tại H.Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình).
Về thời tiết trên đất liền trong những ngày tới, trung tâm cho biết, ở các tỉnh miền Bắc mưa chỉ xuất hiện chủ yếu vào sáng sớm và ban đêm, trưa chiều trời nắng. Các tỉnh miền Trung đã hết nắng nóng, có mưa rải rác. Nam Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa vừa, mưa to.
Thời tiết còn rất xấu * Áp thấp nhiệt đới vào phía đông bắc biển Đông Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Phó phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, bão số 4 đã suy yếu thành một vùng áp thấp, nhưng thời tiết trên biển và đất liền vẫn còn rất xấu. Gió tây nam liên tục thổi mạnh, tại đảo Phú Quốc và TP Rạch Giá (Kiên Giang) có gió mạnh đến cấp 8 (20 - 21m/giây); đảo Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa) cũng có gió mạnh tương tự; riêng tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) có gió mạnh đến cấp 9 (23m/giây). Các tỉnh Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang đã có mưa to, đặc biệt là Kiên Giang có mưa rất to ở Rạch Giá, Hà Tiên, Xẻo Rô, An Biên, An Minh với lượng mưa từ 114-240 mm. Nguyên nhân do dải hội tụ nhiệt đới - nối từ một vùng áp thấp ở vịnh Bengal (Ấn Độ Dương) với vùng áp thấp ở Bắc Bộ và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương - đang hoạt động mạnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đêm 13.7, ATNĐ này đi vào phía đông bắc biển Đông. Đến 13 giờ ngày 14.7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 25,3 độ vĩ bắc; 117,8 độ kinh đông, sức gió mạnh cấp 6, cấp 7 (từ 39 - 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía đông bắc biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. * Ngày 13.7, tin từ ông Lai Thanh Ẩn - Chánh văn phòng BCH chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đêm 12.7, tàu BL 93158TS của ông Lê Hòa Tươi (ngụ ấp I, thị trấn Gành Hào, H.Đông Hải, Bạc Liêu) bị chết máy, va đập bể mạn tàu và chìm ở ngoài khơi thuộc địa phận tỉnh Cà Mau. 5 ngư phủ trên tàu trôi dạt vào đảo Hòn Khoai (Cà Mau) thoát chết. Theo ông Ẩn, tỉnh đã chủ động liên hệ với Cà Mau hỗ trợ phương tiện sớm đưa các ngư phủ vào đất liền. M.Vọng - T.T.Phong |
Quang Duẩn
Bình luận (0)