Chọn cổ phiếu nào?

14/07/2009 23:58 GMT+7

Chọn cổ phiếu blue-chips có kết quả kinh doanh tốt nhưng giá không còn hấp dẫn hay chọn các cổ phiếu nhỏ, lợi nhuận hạn chế nhưng giá “mềm”? Đây là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn tại thời điểm này.

Cổ phiếu nhỏ lên ngôi

Điểm lại 6 phiên mất điểm liên tục vừa qua, các mã xanh hiếm hoi trên bảng điện tử thuộc về các cổ phiếu nhỏ, giá thấp. Như ngày 7.7, phiên mở màn cho chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tục, thị trường vẫn ghi nhận một loạt cổ phiếu nhỏ tăng trần. Cụ thể, sức tăng mạnh nhất thuộc về HTV với 5% lên 12.600 đồng/cổ phiếu (tăng 600 đồng/cổ phiếu), khối lượng giao dịch hơn 95 nghìn cổ phiếu; BAS cũng tăng từ 11.000 đồng lên 11.500 đồng/cổ phiếu; CYC tăng từ 10.300 đồng lên 10.800 đồng/cổ phiếu; GMC tăng từ 17.600 đồng lên 18.400 đồng/cổ phiếu; HMC tăng từ 16.800 đồng lên 17.600 đồng/cổ phiếu...

Phiên giảm điểm ngày 8.7, các cổ phiếu nhỏ vẫn sáng giá khi tiếp tục qua mặt các ông lớn. Đó là BBT của Công ty cổ phần bông Bạch Tuyết tăng trần từ 5.600 đồng lên 5.800 đồng/cổ phiếu; CNT tăng hết biên độ từ 22.700 đồng lên 23.800 đồng/cổ phiếu; CYC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp chốt ở mức 11.300 đồng/cổ phiếu. Các phiên mất điểm tiếp theo, lực cầu trên thị trường vẫn "đánh" vào nhóm "hàng nhỏ giá mềm" khiến các cổ phiếu này tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của mình. Không ít nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu khi BBT, cổ phiếu nhiều điều tiếng vì việc biến lỗ thành lãi, bị đưa vào diện kiểm soát, tạm ngưng giao dịch trước đây... lại cứ tăng điểm ào ào. Đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, thanh khoản của thị trường đã tăng lên đáng kể và bất ngờ cũng xảy ra ở nhóm các cổ phiếu nhỏ. Theo đó BBT dẫn đầu về mức tăng 300 đồng/cổ phiếu, lên 6.300 đồng với 62.000 cổ phiếu được giao dịch... Phiên giao dịch hôm qua 14.7, bảng điện tử bị nhuộm đỏ bởi cổ phiếu mất giá trong cơn lũ bán tháo của nhà đầu tư thì những mã xanh hiếm hoi cũng thuộc về nhóm "hàng nhỏ, giá mềm" như CAD, CLC, DDM, DTT...

Blue-chips mất hấp dẫn

Có thể thấy, hầu hết công ty đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2009 và có kết quả kinh doanh, lợi nhuận tốt đều thuộc nhóm blue-chips. Nhưng bất chấp “sức khỏe” tốt, các cổ phiếu này liên tục mất giá và trở thành tâm điểm bán tháo trong những phiên giao dịch vừa qua. Trong khi đó, nhiều công ty nhỏ lại khá chật vật để “trụ hạng” kế hoạch kinh doanh, cổ phiếu lại tăng giá liên tục. Nghịch lý thị trường này khiến không ít nhà đầu tư gặp khó khăn khi lên danh mục đầu tư cho một chu kỳ mới.

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, sở dĩ các cổ phiếu blue-chips rơi vào tình trạng ế hàng và bán tháo do giá hiện nay quá cao. Với việc tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị trong một thời gian ngắn thì kết quả lợi nhuận “dù tốt đến đâu vẫn không theo kịp giá”. Vì vậy, sức hấp dẫn của các cổ phiếu này đã hết và trở thành tâm điểm xả hàng của giới đầu tư. “Blue-chips giá cao khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang các cổ phiếu giá còn rẻ với hy vọng thị trường sẽ đẩy giá các cổ phiếu này cao hơn để kiếm lời. Tất nhiên, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng nếu không xét đến hoạt động của doanh nghiệp mà dựa trên tiêu chí giá thì rủi ro rất cao” - chuyên gia này nói.

Đại diện Công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt (DVSC) cũng cho rằng, mặc dù thị trường có nhiều phiên giảm điểm nhưng các cổ phiếu blue-chips vẫn chưa rơi về vùng giá hấp dẫn có thể đầu tư. Ngoài ra, việc Dragon Capital và hàng loạt quỹ đầu tư trong và ngoài nước khác cũng như các cổ đông nội bộ liên tục đăng ký bán ra trong thời gian gần đây là một minh chứng rõ nhất về giá trị thực của các cổ phiếu này. Mặc dù vậy, DVSC khuyến nghị, các nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của mình và chờ đợi đến khi xu hướng rõ ràng hơn. Các nhà đầu tư rủi ro thì có thể tham gia bắt đáy các cổ phiếu blue-chips nếu như các cổ phiếu này rơi vào vùng hợp lý trong các phiên giao dịch này.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.