Nhưng ý nghĩa ấy đạt được mức độ nào khi vẫn còn hàng trăm thí sinh gian lận thi cử và bị phát hiện trong các kỳ thi quốc gia. Bạn Lê Nguyễn Minh Châu - học sinh lớp 11A4 (lớp chuyên văn), Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho biết:
- Như nhiều thầy cô và các bạn học sinh khác, tôi cũng thấy đề thi môn văn khối C và D rất hay. Riêng câu số 2 đề cập đến vấn đề thiết thân và gần gũi với lứa tuổi học sinh dù hơi nhạy cảm (cười). Dạng đề mở không những đánh giá chính xác thực lực của học sinh mà bản thân học sinh cũng thích trình bày suy nghĩ của mình hơn viết về những điều có sẵn.
* Nếu là thí sinh đi thi đại học năm nay, bạn sẽ viết như thế nào về tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống?
- Nếu là thí sinh, tôi sẽ viết trong bài làm của mình rằng trung thực là đức tính cần thiết. Nhưng tôi sẽ không khẳng định con người phải trung thực trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi. Cuộc sống đôi khi buộc ta gặp phải những tình cảnh mà nếu nói thật sẽ gây bất lợi cho bản thân và người thân của mình.
Câu II đề văn khối C: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin - côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”. |
* Nói một cách cụ thể hơn sự trung thực và không trung thực xảy ra xung quanh bạn như thế nào?
- Đã 11 năm ngồi trên ghế nhà trường, trải qua nhiều lần kiểm tra, thi cử, tôi từng chứng kiến có bạn rất trung thực, làm bài theo khả năng của mình, những câu hỏi bạn ấy không thuộc hoặc không biết thì nhất quyết không quay cóp, không hỏi bạn bè. Kết quả: bạn ấy bị điểm kém. Có bạn tìm mọi cách xem tài liệu, copy bài. Kết quả: bạn ấy được điểm cao.
Đương nhiên tôi cũng nhận ra một điều: người bạn đạt điểm cao nhưng không phải điểm thực học của mình sẽ có tâm lý ỷ lại, không chịu học hành. Cuối năm, kết quả đánh giá học lực của bạn ấy cũng bị sai lệch. Điều đó sẽ gây hậu quả không tốt cho bản thân bạn và gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sau này. Tóm lại, thiếu tính trung thực thì rất nguy hiểm.
* Xin hỏi thẳng thắn, bạn đã bao giờ không trung thực chưa?
- Có chứ! Nhất là những lúc tôi mắc phải sai lầm. Sau những lần nói dối ấy, nghĩ lại tôi cũng hối hận lắm. Còn trong học tập, tôi đoán chắc khó có học sinh nào dám khẳng định mình chưa và không bao giờ gian lận. Mỗi học sinh sẽ có ít nhất một bài kiểm tra cho ra điểm số không đúng thực lực của mình - kể cả những học sinh giỏi và chăm ngoan.
Trung thực là đức tính cần thiết. Nhưng tôi sẽ không khẳng định con người phải trung thực trong mọi trường hợp
|
|
Lý do đơn giản thôi, luôn là học sinh giỏi, điểm luôn cao nhưng vì một lý do khách quan (mẹ ốm chẳng hạn), bạn ấy chưa học bài. Cô cho làm bài kiểm tra. Tâm lý mà, sẽ rất khó chịu và khổ sở khi phải nhận điểm xấu; thầy cô, bè bạn sẽ nhìn mình như thế nào... Hoặc có những bạn không thuộc bài thì đến giờ trả bài xin xuống nằm ở phòng y tế, xin mẹ cho nghỉ học...
Theo tôi, thêm một lý do nữa là giáo dục Việt Nam đánh giá học sinh dựa trên kết quả đạt được chứ không phải quá trình phấn đấu. Chúng tôi phải học và bằng mọi cách để có được kết quả cao. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua được tổ chức nghiêm ngặt với hàng loạt quy định khắt khe như thế nhưng vẫn có hàng trăm thí sinh vi phạm. 12 năm đèn sách được đánh giá bằng một kỳ thi, họ phải “xoay xở” chứ...
* Như thế, theo bạn, giáo dục Việt Nam cần có cơ chế như thế nào để chống tình trạng quay cóp, gian lận?
- Tôi nghĩ chương trình giảng dạy cần sâu sát hơn với thực tế và tâm lý học sinh. Đừng bắt học sinh học vẹt nhiều quá. Với những câu hỏi mở như câu hỏi dạng nghị luận xã hội của đề thi tuyển sinh văn vừa rồi, học sinh nào muốn quay cóp cũng không thể. Đồng thời sự trung thực tùy thuộc ý thức mỗi người.
Giáo dục cần đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện ý thức đó bằng cách nên đưa các bài giảng về lòng trung thực vào chương trình ngoại khóa và chính khóa. Bài giảng không phải là những lời dạy suông, sáo rỗng, khô khan mà nên đi kèm với các hoạt động thiết thực. Làm sao để học sinh thấy được trung thực là phẩm chất cao quý của con người và cảm thấy tự hào khi mình trung thực trong thi cử, trong cuộc sống. Tức là nếu sống trung thực, chúng tôi sẽ được gì?
Theo Hoàng Hương / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)