Thiếu quy hoạch tổng thể về công trình ngầm đô thị

15/07/2009 22:51 GMT+7

Hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo "Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị" được tổ chức hôm qua 15.7, tại Hà Nội đều có chung nhận định, Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể và chưa có một hệ thống lưu trữ thống nhất hệ thống hồ sơ công trình ngầm đô thị, bản đồ công trình ngầm đô thị.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, do chưa có quy hoạch ngầm nên đã xảy ra "sự sơ hở thô thiển": dự án đặt cống hộp thoát nước trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã được phê duyệt, chuẩn bị đấu thầu triển khai thi công lại chồng với tuyến Metro số 2 đang hoàn chỉnh quy hoạch lần cuối. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Hà Nội và TP.HCM đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhưng do chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn hoặc không lường hết được các trở ngại có thể xảy ra nên lúc cho phép đầu tư xây dựng, lúc thu hồi giấy phép, gây nản lòng các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Hiệp, cả nước đã xây dựng rất nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, gồm: cấp thoát nước, điện, viễn thông, chiếu sáng… nhưng việc quản lý sau nhiều năm vẫn là sự cát cứ của từng cơ quan được giao quản lý. "Sự quản lý manh mún đó đã dẫn đến tình trạng thiếu thông tin khi quy hoạch, thiết kế để đầu tư xây dựng những hạ tầng ngầm mới, không gian ngầm đô thị sắp đến. Điều này khiến tư vấn phải đi "gõ" nhiều "cửa" để mua thông tin, xin cung cấp chi tiết, tốn thì giờ, không khoa học mà chưa chắc thông tin đó đã cập nhật, chính xác tuyệt đối. Cũng vì lý do đó mà nhiều công trình lắp đặt tuyến cống thoát nước đang thi công đã bị trở ngại, không thể triển khai, chờ đợi nhiều tháng, tăng chi phí vì vướng cáp ngầm, cáp quang, tuyến ống cấp nước mà bản thân những đơn vị chuyên ngành đang quản lý hệ thống đó cũng không biết", ông Hiệp nói.

Về hiện trạng các công trình ngầm khác, TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết thêm: hiện hầu hết các tòa nhà cao tầng đều xây dựng các tầng hầm và cũng nhiều tòa nhà có chiều sâu móng đến 50 - 60m nhưng việc quản lý đồng bộ chưa được thực hiện mà mới chỉ quản lý theo hồ sơ đơn chiếc cùng với giấy phép xây dựng. Trong khi đó, đối với các công trình giao thông ngầm, theo ông Tiến, hiện hầm cho người đi bộ đã được xây dựng tại Hà Nội nhưng "nó mới chỉ đảm nhận chức năng giao thông là chính", chưa gắn với nhiều mục đích sử dụng công cộng khác và việc sử dụng, khai thác hầm này còn nhiều hạn chế (không an toàn, hầm vắng khách). Hà Nội và TP.HCM đang lập dự án xây dựng tàu điện ngầm, song tiến độ triển khai quá chậm.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.