Nguyễn Thành Trung năm nay 27 tuổi, nhà ven chợ nổi Cái Răng thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Tạo hóa như trêu ngươi, khi phú cho Trung gương mặt thánh thiện nhưng hai chân lại què quặt. Do hoàn cảnh gia đình nên học xong lớp 7 Trung bỏ học theo bạn nghèo đi làm nghề đánh cá. Gặp ngay thời cá tôm ít ỏi, kiếm sống khó khăn nên Trung theo lời bạn bè rủ rê về Kiên Giang nhận việc giữ vuông tôm mướn. Đang mừng thầm vì có công việc tạm ổn định thì không lâu sau đó tôm sú mất giá, Trung cũng mất việc theo. Trung u uất với cuộc sống bấp bênh, chẳng kiếm được công việc vừa sức mình, tương lai vô định nên anh càng khép kín cuộc sống của mình.
Tuy nhiên một sự tình cờ đã làm thay đổi cuộc sống của Trung. Đó là vào tháng 10.2005, xem truyền hình thấy các diễn viên Hàn Quốc múa hip hop với những cú xoay mạnh mẽ bằng đôi tay ở tư thế trồng chuối ngược, Trung rất thích thú. Ý nghĩ muốn học bộ môn này dường như giúp Trung bừng tỉnh trong bóng tối của một số phận hẩm hiu. Thế nhưng khi vừa nói ý định thích múa hip hop thì gia đình không ai tán đồng. Trung lặng lẽ tự tìm mua các băng đĩa múa hip hop rồi lén gia đình tự tập.
Trung biết nếu lao theo đúng bài bản hip hop nhảy bằng đôi chân thì chỉ chuốc lấy thất bại nên chăm bẵm luyện nhảy bằng tay. Những ngày đầu dùng đôi tay bám chặt nền đất, nền xi măng xoay cổ tay múa mười ngón tay tê dại rụng rời. Đó là chưa kể khi nhào lộn Trung không giữ được thăng bằng nên hay té đập đầu xuống đất đau muốn lọi xương. Nhiều lúc chán nản Trung muốn rũ bỏ tất cả, nhưng với niềm đam mê tột độ, anh tự mày mò tìm cách học hip hop theo phong cách riêng thích ứng với bản thân nhưng không phá cách trẻ trung sôi động.
“Hip hop là vũ điệu đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn, lẹ làng, động tác múa phải mềm mại nhưng dứt khoát. Nhiều chiêu múa cổ tay hay quay chân trong vũ điệu hip hop được biểu diễn như chiêu võ thuật rất bổ ích cho sức khỏe người chơi nếu luyện đúng cách” Nguyễn Thành Trung |
Trung luyện được độc chiêu trồng chuối ngang mà ngay cả “cao thủ” làng hip hop muốn luyện chưa chắc gì đạt tới. Khi Trung để tóc dài cho hợp với phong cách hip hop thì người thân vô cùng lo lắng sợ Trung mặc cảm với bản thân muốn “nổi loạn” nên để đầu tóc dị hợm, múa may bằng tay như người phát cuồng. Biết có nói cũng bằng thừa nên Trung tìm những người có sở thích chơi hip hop để kết bạn. Ban đầu ai cũng thấy khó vì nhảy hip hop phải kết hợp động tác hài hòa từ cú lắc người, đôi chân và đôi tay, còn Trung cất bước đi còn không được huống hồ nhảy múa. Thế nhưng khi nhảy chung, họ nhận ra những cú xoay tay quyết liệt hay tuyệt chiêu ngã ngang người trồng chuối của Trung đã tạo nên bản hòa tấu tuyệt vời kết hợp hài hòa với những vũ điệu đôi chân tạo ra phong cách mới.
Lần hồi những bước nhảy chân-tay ăn rơ nhau nên nhóm quyết định thành lập câu lạc bộ hip hop do Trung làm chủ nhiệm. Lúc đó phong trào hip hop đang nhen nhúm ở Cần Thơ. Trung và các bạn mới bàn nhau đi biểu diễn hip hop ở các quán cà phê nhạc sống. Nhưng những hăm hở ban đầu bị dội nước lạnh khi nhiều chủ quán thẳng thừng: không ưa mấy cái trò múa may dị hợm. Có chủ đồng ý cho múa nhưng tiền công trả rất “bèo”.
Năm 2007, hay tin Liên hoan Văn hóa - thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại thành phố Huế, câu lạc bộ của Trung mạnh dạn đi dự thi và nhóm của anh đã đoạt được huy chương vàng. Liên tục sau đó nhóm Trung được mời lên TP.HCM biểu diễn. Còn tại Cần Thơ nhóm cũng tạo nên “cơn lốc” hip hop, khi khánh thành hay tổ chức sự kiện nào các công ty lớn hay nhỏ đều mời nhóm Trung đến biểu diễn với thù lao rất khá. Lúc tuyên truyền an toàn giao thông ở Cần Thơ, nhóm Trung được mời đi biểu diễn tuyên truyền giao thông bằng vũ điệu hip hop nên thu hút giới trẻ xem rất đông.
Chơi hip hop nhã nhặn, cử chỉ lịch sự, không quậy phá hay gây mất văn hóa nên nhóm Trung được Trung tâm Văn hóa - thể thao thành phố Cần Thơ đỡ đầu. Tháng 3.2008 nhiều phụ huynh đưa con em tới Trung tâm Văn hóa - thể thao thành phố Cần Thơ học hip hop, thấy thầy dạy nhảy là thanh niên bị khuyết tật hai chân ai cũng “nóng mặt”.
|
|
Nhìn Trung lên xuống xe gắn máy phải có người dìu, lên lầu thang cao phải nhờ người cõng họ càng lo thầy đã thế thì dạy thế nào đây. Hiểu ý, Trung lần tay bước ra sân. Nhìn anh múa như làm xiếc trên đôi tay với những vũ điệu cuồng nhiệt, các em nhỏ ồ lên trầm trồ… Trung kể: “Tôi đi đứng bất tiện nên khi ngồi dạy phải quan sát điệu bộ từng em thật kỹ. Phải chỉnh từng nhịp chân, điệu lắc mình, nhún vai hay xoay tay cho các em. Mệt đứt hơi nhưng vui lắm”.
Trung không cho học viên gọi anh bằng thầy vì Trung tự nhận anh chỉ học xong lớp 7, không đủ trình độ cho các em gọi thầy. Trung dạy nhảy bằng niềm đam mê, bằng tinh thần của một người anh truyền tất cả nhiệt huyết cho những người em có cùng sở thích. Trung nói: “Trong câu lạc bộ của tôi hay những em theo học hip hop cùng tôi phải tuân thủ nguyên tắc không chửi bậy, không đánh lộn, không nghiện các trò đỏ đen… Nhiều người nói chơi hip hop có hại cho sức khỏe nhưng ý nghĩ đó không đúng.
Hip hop là vũ điệu đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn, lẹ làng, động tác múa phải mềm mại nhưng dứt khoát. Nhiều chiêu múa cổ tay hay quay chân trong vũ điệu hip hop được biểu diễn như chiêu võ thuật rất bổ ích cho sức khỏe người chơi nếu luyện đúng cách. Lúc trước sức khỏe tôi yếu và hay tự ti với bản thân. Thế nhưng từ ngày chơi hip hop tôi tự tin hơn, tinh thần phấn chấn, sức khỏe cũng dồi dào. Mấy năm trước tôi sống nhờ vào chu cấp của gia đình thì ngày nay tôi có thể biểu diễn hay dạy hip hop kiếm được tiền nuôi sống bản thân”.
Bài &ảnh: Thanh Dũng
Bình luận (0)