Nhức nhối chuyện bóc lột trẻ em

20/07/2009 18:49 GMT+7

Tại hội nghị Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em do Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến lo ngại trước thực trạng buôn người ngày càng tinh vi, phức tạp.

Bắt trẻ làm quần quật, đi ăn xin

“Hiện nay xuất hiện nhiều hình thức buôn bán phụ nữ để làm gái mại dâm hoặc làm nô lệ tình dục cho người nước ngoài. Còn nạn buôn bán trẻ em thì núp dưới vỏ bọc tưởng như đang cứu giúp đứa trẻ, chẳng hạn như nhận làm con nuôi, tạo việc làm cho trẻ...” - ông Võ Phi Châu, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Q.4, TP.HCM nói.

Ông Châu cho rằng, tình trạng trẻ bị bóc lột sức lao động đang xảy ra khá phổ biến tại TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ thiếu kiến thức, còn gia đình của trẻ túng thiếu, nhắm mắt cho con đi lao động ở các thành phố lớn mà không ngờ tới những cảnh bức ép con họ phải gánh chịu.

Qua điều tra khảo sát lao động trên địa bàn, bà Võ Kim Hường - cán bộ Phòng LĐ-TB-XH Q.Tân Phú, TP.HCM nhận thấy số trẻ bị bóc lột sức lao động và bị đánh đập khá nhiều, nhất là ở những cơ sở may gia công. Trẻ phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ăn uống qua loa một chút rồi làm đến 7 giờ tối, sau đó lại quần quật cho tới 11, 12 giờ đêm. Tuy nhiên, khi hợp đồng (miệng) với cha mẹ trẻ, những chủ cơ sở này cam kết chỉ cho các em làm việc 8 tiếng/ngày. Cha mẹ các em ở những miền quê xa không có cách nào kiểm tra sự thực vì chủ không cho trẻ liên lạc với gia đình.

Theo Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an, trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn cả nước xảy ra 566 vụ. Trong đó, có 1.398 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. Con số phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do nghi bị bán ra nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý đã có chiều hướng các trẻ em sơ sinh bị bắt cóc bán sang Trung Quốc ở một số tỉnh phía Bắc. (Hoài Nam)

Bà Phan Thị Kim Sinh - Phòng LĐ-TB-XH Q.Thủ Đức, TP.HCM cũng phản ánh một số trường hợp sử dụng trẻ em làm việc nặng nhọc trên địa bàn. Đặc biệt, bà Sinh lưu ý: thời gian qua, có nhiều người từ nơi khác đến tạm trú ở Q.Thủ Đức, trong đó, có những người giả dạng ăn xin hoặc chăn dắt trẻ em ăn xin.

Mất điểm vì... báo cáo thật!

Bà Võ Kim Hường bức xúc: “Có những nơi giấu nhẹm thông tin, không báo cáo sự thật về tệ nạn xảy ra trên địa bàn vì sợ bị trừ điểm, không đạt chuẩn khu phố văn hóa. Đề nghị cơ quan chức năng nên khuyến khích cộng điểm thưởng cho những địa phương tuy có tệ nạn nhưng đã có trách nhiệm, nỗ lực giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn”.

Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, bà Lương Thị Thuận khẳng định: “Tôi đã nhiều lần nghe phản ánh về điểm thi đua danh hiệu khu phố văn hóa  tương tự thế này. Các cơ quan nhà nước nên lưu ý điều chỉnh một số chủ trương để công cuộc phòng chống tệ nạn, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em được hiệu quả hơn. Tất nhiên, khi xét danh hiệu thi đua, nếu địa bàn nào có tiêu cực thì bị trừ điểm nhưng điều này cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực khác: Đó là việc ém nhẹm hoặc báo cáo thông tin không trung thực”.

Đề cập cách giải quyết nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em lâu nay, ông Võ Phi Châu thẳng thắn cho rằng đó là một “quy trình ngược” vì bắt đầu từ trên xuống dưới. Thay vào đó, phải xuất phát từ dưới lên, tức là phải đi từ những sự vụ thực tế của gia đình, của trẻ em rồi mới lên ban ngành, đoàn thể, sau đó đến chính sách nhà nước. Ông Châu cũng trăn trở về tính bền vững của những dự án phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Bởi lẽ, có những dự án trên địa bàn Q.4 thực hiện đến 5 năm nhưng bây giờ gần như xóa sạch, phải làm lại từ đầu! Một số ý kiến khác phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng những cán bộ chuyên trách về trẻ em. Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM nhìn nhận nguồn kinh phí để hỗ trợ nạn nhân ở tỉnh, thành khác hồi gia hiện rất hạn hẹp... 

Bà Ý Quân - Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM cho biết: Thời gian qua, hội tạo điều kiện cho trẻ gái bị lạm dụng tình dục đang sống trong một số nhà mở có diễn đàn để nói lên hoàn cảnh, tâm tư của mình. Và đây cũng là một cách để các em tự ý thức, phòng ngừa hiểm nguy cho bản thân. Trong khi đó, bà Kim Sinh kiến nghị nên tăng những phiên tòa xét xử lưu động đối với những vụ án buôn bán phụ nữ, trẻ em. Qua đó, nhằm tạo sự tác động mạnh mẽ hơn đến cộng đồng, đồng thời để người dân biết được kết quả xử lý các vụ việc như thế nào.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.