Học trò thi tài viết phần mềm

20/07/2009 18:51 GMT+7

Hội thi Tin học trẻ TP.HCM đã thu hút nhiều phần mềm sáng tạo có ý nghĩa thiết thực với đời sống. Trong đó có phần mềm được tạo ra từ những em học sinh tiểu học.

Nguyễn Anh Kiệt - học sinh lớp 5 trường Tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình) đến dự thi với phần mềm “Em học toán lớp 5”. Sản phẩm là hệ thống các bài tập toán đố, toán trắc nghiệm để người học ôn tập lại kiến thức toán lớp 5. Bên cạnh đó còn là trò chơi xếp hình để vừa giải trí, vừa động não, phát triển tư duy. Ở trường, Kiệt được chọn vào lớp Tài năng tin học. Kiệt còn tỏ ra khá xuất sắc khi phát âm rất chuẩn những từ tiếng Anh trong bài thuyết trình. Cách đây hơn một năm Kiệt đã lấy chứng chỉ A Anh văn tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM và đang chuẩn bị thi chứng chỉ B.

Đến từ Hóc Môn, học sinh Nguyễn Đình Phú (trường Tiểu học Nguyễn An Ninh) rất tự tin với phần mềm “An toàn giao thông”. Khác với các thí sinh trước đó, vào phòng thi Phú mới bắt đầu “thiết kế” và đề nghị giám khảo ngồi đợi, vì cho rằng “đây là cuộc thi sáng tạo mà”. Tự chỉnh sửa font chữ, mở power point, gõ chữ, cắt dán... tất cả Phú đều thao tác rất linh hoạt. “Mục đích của con khi làm phần mềm này là giúp mọi người dễ nhớ các biển báo giao thông và quan trọng hơn là nhắc nhở mọi người phải có ý thức trong việc tuân thủ luật lệ giao thông để bảo vệ mình và mang lại sự an toàn cho mọi người xung quanh”, Phú trình bày sau khi hoàn tất phần thiết kế.

Rất thiết thực là phần mềm “Sự kiện lịch sử” của Huỳnh Đức Lợi (học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Phần mềm được thiết kế như một quyển sách điện tử, phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, lưu trữ, thêm, xóa, in ấn dữ liệu về lịch sử. Bên cạnh đó là các trò chơi như sắp xếp sự kiện theo thời gian, lắp ghép sự kiện và trắc nghiệm lịch sử. Điều đặc biệt ở những trò chơi này chính là các bài tập lịch sử có chấm điểm tự động, được thiết kế sinh động để giúp người chơi rèn luyện kiến thức.

Cũng đến từ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, phần mềm E.A.R.T.H của Lê Hoàng Minh với giao diện bắt mắt, được cài đặt nhiều ngôn ngữ khác nhau, E.A.R.T.H chính là một tự điển về các địa danh trên thế giới. Ở đó, người xem chỉ cần nhấp chuột vào thì có thể xem được tất cả những thông tin về địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa... của địa danh đó. Ngoài ra, phần mềm còn tạo cho người xem sự ý thức hơn về bảo vệ môi trường.

Là một trong các giám khảo của hội thi, PGS-TS Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nhận định: “Các sản phẩm dự thi rất đa dạng. Dù đối tượng dự thi là những em học sinh nhỏ tuổi, nhưng các phần mềm đều hướng đến lợi ích thực tiễn để áp dụng vào cuộc sống”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.