John Arnold là lãnh đạo Quỹ đầu cơ Centaurus Energy. Vào năm 2007, tài sản của anh vượt qua con số 1 tỉ USD và khi đó anh là tỉ phú trẻ nhất nước Mỹ, đứng thứ 317 trong top 400 người giàu nhất nước Mỹ. Đáng chú ý là trong khi những tỉ phú trẻ tuổi khác giàu có chủ yếu nhờ thừa kế, thì tiền tỉ mà Arnold kiếm được là nhờ vào “các trò chơi thông minh” của chính anh và Quỹ Centaurus Energy trên cổ phiếu của ngành năng lượng.
Những triệu USD đầu tiên
John Arnold sinh năm 1974, trong một gia đình trung lưu Mỹ, bố là luật sư còn mẹ là kế toán. Tài năng của Arnold xuất hiện ngay khi còn trẻ. Chỉ trong 3 năm, chàng sinh viên trẻ này đã hoàn tất chương trình ngành tài chính của Đại học Vanderbilt, bang Tenessee, Mỹ. Sau đó vào năm 1995, Arnold đến phố Wall, vào làm việc cho Tập đoàn năng lượng Enron. Tại đây, lúc đầu Arnold kinh doanh dầu mỏ rồi sau đó chuyển sang lĩnh vực khí đốt. Năm 2001, ở tuổi 27, chàng trai trẻ đã mang về cho Enron 750 triệu USD lợi nhuận và nhận được khoản tiền thưởng 8 triệu USD – là mức cao nhất trong số những người lĩnh thưởng của Enron trong năm này.
Năm 2002, Enron bị phá sản, Arnold được nhiều hãng mời làm việc, nhưng nhà tỉ phú tương lai đã dùng chính 8 triệu USD tiền thưởng của mình và huy động ít vốn của các nhà đầu tư đồng quan điểm để thành lập Quỹ đầu cơ Centaurus Energy. Giải thích cho ý muốn “tác chiến độc lập” của mình, anh nói: “Tôi muốn thành lập cơ cấu thích hợp với mình, để khỏi phải liên tục bảo vệ quan điểm của mình trước ý kiến của những kẻ quan liêu”.
Centaurus Energy chuyên đầu cơ vào kinh doanh khí đốt, dầu mỏ và các loại hình năng lượng khác. Lúc đầu quỹ chỉ đầu tư vào một hãng tại Houston, bang Texas – trung tâm khai thác dầu khí của Mỹ. Người ta bảo chỉ có kẻ không thông minh mới lập quỹ đầu cơ nhắm vào cổ phiếu ngành năng lượng như Arnold. Bởi vào năm 2002, ngành năng lượng Mỹ đang trong tình trạng sốc vì sự phá sản của Enron do bị cáo buộc là gian lận, lừa đảo. Tình thế cực kỳ khó khăn, hầu như những nhà đầu cơ khó có thể thu được lợi nhuận. Hơn thế, vào tháng 2.2002, khi Enron phá sản, Ngân hàng UBS tiếp quản bộ máy của tập đoàn này và bắt đầu sa thải các nhà đầu cơ chứng khoán. Đến tháng 5.2003 thì chi nhánh Houston của Enron trước đây đóng cửa. Một vài nhà đầu cơ chứng khoán khác bị chuyển sang văn phòng khác.
Tận dụng khủng hoảng để thu lợi
Dưới quyền lãnh đạo của John Arnold hiện có 4 quỹ đầu cơ: Centaurus Energy, Centaurus Energy Master Fund, Centaurus Energy Partners và Centaurus Energy Qp. Ngoài ra còn có hãng tư vấn Centaurus Advisors. Đối với giới tài chính đây là một cơ cấu tổ chức hoàn toàn khép kín. Người ta chỉ biết rằng, các quỹ của John Arnold lấy tiền dịch vụ cao hơn so với các quỹ đầu cơ khác: 30% lợi nhuận thu được từ cổ phiếu, 3% số tiền đầu tư cổ phiếu để có quyền tham dự vào điều hành hãng đầu tư. Con số tương ứng của các quỹ đầu cơ khác là 20% và 2%. Tuy thế, trong thời đại người khôn của khó thì các nhà đầu tư vẫn xếp hàng để đến với Arnold, bởi các quỹ của anh hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực năng lượng. Người ta đồn rằng, lợi nhuận mỗi năm của Centaurus là 200%. Năm không thành công nhất – 2005 thì lợi nhuận cũng là 178%. Đây là kết quả khó tin nổi. Bởi cũng năm 2005, các quỹ đầu cơ danh tiếng khác như Energy Select Spyder và Vanguard Energy Vipers lợi nhuận chỉ là 35%.
Thu được lợi nhuận cao cho thấy tài tiên đoán về giá trị cổ phiếu để Arnold vững tin vào quyết định của anh. Nhờ thế, mà vào năm 2006, anh còn đánh gục đối thủ của mình – Quỹ đầu cơ Amaranth. Chuyện có thể tóm tắt như sau: Vào hè năm 2006, Arnold và các cộng sự tin tưởng giá khí đốt sẽ hạ và chơi bài “ghìm” giá cổ phiếu xuống. Trong khi đó Brian Hunter, 32 tuổi, lãnh đạo Amaranth lại nâng giá lên. Cuộc tranh cãi giữa hai nhân vật giống như những lời lẽ của hai đứa trẻ kết thúc vào tháng 9.2006. Trong vòng một tuần, Amaranth mất 6 tỉ USD, còn Centaurus Energy kết thúc năm này với lợi nhuận 317% và 1 tỉ USD cổ phiếu. Các nhà chuyên môn tin rằng, khoảng 50% số tiền này thuộc về Arnold.
“Một gentleman đích thực”
Tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn vào các năm 2006, 2007 và 2008, nhưng Centaurus Energy vẫn là quỹ có số nhân sự gọn nhẹ: Tổng cộng chỉ có 36 người. Trong đó có 17 chuyên gia đầu cơ, mà phần lớn đều làm việc tại Enron trước đây. Quỹ của Arnold có những gương mặt mà bất cứ hãng nào cũng đều mong muốn sở hữu: Cựu giám đốc điều hành của Enron - Greg Whalley, cùng nhiều nhà đầu cơ danh tiếng như Bill Perkins, Jeffrey Welch, Conrad Goerl…
Cuộc sống riêng của John Arnold còn ít được biết hơn cả sự nghiệp kinh doanh của anh. Chuyên gia phân tích, tư vấn năng lượng Art Gelber, rất nổi tiếng ở Houston khẳng định: trên nhiều phương diện Arnold là “một gentleman đích thực”. Người ta nói rằng, Arnold rất yêu thích nghệ thuật, nhảy giỏi và mới cưới vợ cách nay 2 năm. Nhưng có một điều chính xác là đến nay ông chủ của Centaurus Energy sống khá giản dị: Không mua và sưu tầm các đồ cổ, không mua các xe hơi sang trọng đắt tiền, không dính vào tình ái với các người mẫu và luôn cố gắng để không ai chú ý đến mình.
Tuy thế, Arnold cũng từng khiến cho mọi người tranh cãi khi vào năm 2004 anh mua một khu đất trị giá 4,9 triệu USD ở khu sang trọng River Oaks tại Houston. Anh không chút đắn đo khi xây dựng ở đó biệt thự mang tên Dogwoods. Điều đáng nói là tại khu đất này có ngôi nhà do kiến trúc sư Birdsall Briscoe xây dựng vào năm 1926 và nó được đánh giá là có giá trị lịch sử. Tuy nhiên Arnold đã không trùng tu mà đập bỏ để xây dựng biệt thự mới theo thiết kế kiểu lập thể của kiến trúc sư danh tiếng Alexander Gorlin ở New York. Người ta nói, biệt thự mới giản dị, nó rất phù hợp với phong cách và tính cách của chủ nhân của nó.
5 người đầu cơ chứng khoán giàu nhất thế giới năm 2009
1. James Simons, 71 tuổi, Quỹ Renaissance Technologies, lợi nhuận 2,8 tỉ USD (Vị trí năm 2008: 5). Vào năm 2008, 95% lợi nhuận của Simons là đầu tư. Các nhà đầu tư của Renaissance Technologies cũng nhận không ít: 84%. James Simons là người làm từ thiện rất hào phóng, ông chi rất nhiều cho bệnh nhân bị các bệnh về não.
2. John Paulson, 53 tuổi, Quỹ đầu cơ Paulson & Co. lợi nhuận 1,9 tỉ USD (Vị trí năm 2008: 1). Quỹ của Paulson là cổ đông chính của tập đoàn bảo hiểm Anheuser. Lợi nhuận của quỹ tăng từ 6% lên 13%. Năm 2007, lợi nhuận của John Paulson là 3,3 tỉ USD. Tuy nhiên do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính, giá trị cổ phiếu ông đầu cơ xuống giá, nên tài sản và lợi nhuận của ông bị “teo” lại.
4. George Soros, 78 tuổi, Quỹ Soros Fund Management, lợi nhuận 800 triệu USD (Vị trí năm 2008: 2). Các cổ phiếu của Soros chiếm phần lớn vốn của Quỹ Soros Fund, nên ông thu lợi nhuận lớn hơn chính quỹ và các nhà đầu cơ khác của mình. Trước đây, ông là nhà đầu cơ danh tiếng trong bóng đá Mỹ.
5. Ray Dalio, 58 tuổi, Quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, lợi nhuận 470 triệu USD (Vị trí năm 2008: 10). Quỹ Pure Alpha của Ray Dalio huy động 40 tỉ USD đầu tư và lợi nhuận thu được là 9,4%. Trong khi đó một quỹ khác của ông là All Weather Tund tuy quy mô đầu tư nhỏ nhưng lại lỗ 24%. Điều này ảnh hưởng đến vị trí của ông trên bảng xếp hạng. (Nguồn: Tạp chí Forbes) |
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)