Vào một ngày nọ, trùm ma túy Juan Jose “Juancho” Leon của Guatemala được một tập đoàn tội phạm tại Mexico mời tới, nói là để liên kết làm ăn. Nhưng khi đang trên đường tới điểm hẹn, Leon cùng 10 gã đàn em đã bị vài chục tay súng với lựu đạn và tiểu liên bất ngờ tấn công, hạ sát.
Vươn ra toàn cầu
Vụ việc trên xảy ra vào tháng 3.2008, vừa được hãng tin AP thuật lại trong một phóng sự nói về việc các băng nhóm ma túy tại Mexico không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động. Sau khi phỏng vấn các quan chức và chuyên gia chống tội phạm ma túy tại nhiều quốc gia, AP đã vẽ nên một bức tranh đáng sợ: các tổ chức tội ác ở xứ sở xương rồng đã có mặt tại 47 quốc gia.
Ở Colombia, Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD cho chương trình chống ma túy. Kết quả là trong vòng 2 năm qua, Colombia đã trục xuất 14 thủ lĩnh du kích tới Mỹ với cáo buộc liên quan tới ma túy. Nhà chức trách Colombia cũng bắn chết hoặc bắt giữ 6 trùm ma túy khác. Và khi các trùm địa phương bị truy quét, nhiều tay cộm cán từ Mexico đã nhanh chóng xuất hiện để “điền vào chỗ trống”. Giám đốc cảnh sát quốc gia Colombia, tướng Oscar Naranjo, nói với AP: “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy người Mexico hoạt động tại Medellin, Cali, Pereira, Barranquilla”. Mục đích của các nhóm Mexico là tiếp cận càng gần nguồn cung ma túy càng tốt.
Ở Peru, băng nhóm Mexico đã hối lộ cho quan chức tại sân bay, cảng biển và rửa tiền bằng cách đầu tư vào bất động sản. Hiện có ít nhất 4 băng ma túy lớn của Mexico mua hàng trực tiếp từ Peru, theo AP. Trong vòng 3 năm qua, Peru đã bắt 40 người Mexico tàng trữ từ 10 đến 20 kg ma túy mỗi người. Hồi tháng 6, cảnh sát đã bắt Saulo Tejada khi gã này đang chở 4 vali chứa 106 kg cocaine trong xe hơi. Các vụ bắn giết lẫn nhau tăng một cách đáng sợ tại thủ đô Lima, khiến đôi khi người ta lầm tưởng đây là một thành phố miền biên giới Mexico, nơi chuyện chém giết diễn ra hằng ngày.
Một trong những chiến thuật quan trọng của tội phạm Mexico là nhập chất pseudoephedrine và ephedrine từ Ấn Độ và Trung Quốc vào Mỹ La-tinh để chế thành methamphetamin, một loại ma túy tổng hợp. Hai chất này bị chính quyền Mexico cấm nhập và sử dụng nội địa vào năm 2007. Lệnh cấm trên đã “thôi thúc” các băng nhóm chuyển hoạt động tổng hợp ma túy ra nước ngoài, mà Mỹ La-tinh là địa chỉ lý tưởng. AP dẫn thông tin từ Cơ quan Chống ma túy Mỹ (DEA) cho hay lượng ephedrine nhập vào Argentina đã tăng từ mức 5,5 tấn vào năm 2006 lên 28,5 tấn vào năm sau. Năm ngoái, cảnh sát đã phá một điểm sản xuất methamphetamin ở Buenos Aires có liên hệ với tổ chức Sinaloa của Mexico, bắt giữ 23 người. Còn tại Guatemala, 17 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa băng nhóm địa phương và các băng ma túy Mexico vào tháng 11 năm ngoái. Cảnh sát sau đó đã phát hiện một trại huấn luyện với 500 quả lựu đạn và hàng ngàn viên đạn.
Vòi bạch tuộc của các băng nhóm Mexico cũng được tìm thấy ở châu u, châu Phi, Trung Đông và thậm chí tận Đông Nam Á. Hồi năm ngoái, cảnh sát Malaysia đã bắt 3 người Mexico đang vận chuyển 29 kg methamphetamin.
Bên trong lãnh địa
Hoạt động của các băng nhóm Mexico hiện quy mô hơn cả mafia Ý, Nga cũng như tội phạm Đông Á.
Trong vài chục năm trở lại đây, nhà chức trách Mexico đã tăng cường triệt phá tội phạm ma túy nhưng xem ra chẳng ăn thua. Cách đây hơn 1 tuần, sự lộng hành đã lên tới đỉnh điểm khi các nhóm tội phạm phối hợp với nhau đồng loạt tấn công nhiều đồn cảnh sát tại 10 thành phố. Còn chuyện có ai đó quăng vài cái đầu máu me lên sàn nhảy, bắn nhau giữa ban ngày trên đường phố, một tòa soạn báo bị đốt cháy sau khi đăng phóng sự điều tra về thế giới ngầm, văn phòng cảnh sát trưởng một thị trấn bị tấn công… thì xảy ra như cơm bữa.
Sau vụ tấn công tại 10 thành phố nói trên, 10 quan chức cảnh sát đã bị bắt giữ với cáo buộc hợp tác với thế giới ngầm. Hồi đầu năm, 10 thị trưởng tại bang Michoacan ở miền tây Mexico cũng đã bị bắt với cáo buộc tương tự. Chính phủ Mexico tỏ ra rất mạnh tay với tội phạm có tổ chức. Công tác chống ma túy hiện đã được giao cho quân đội chứ không phải cảnh sát, lực lượng vốn bị cáo buộc là có quá nhiều quan chức thoái hóa. Ở nhiều thành phố, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh binh lính đeo mặt nạ với súng ống lăm lăm như trong thời chiến. Tuần trước, 5.000 binh sĩ và cảnh sát đã được điều tới Michoacan nhằm trấn áp tội phạm.
Nhưng dường như biện pháp của chính phủ không phát huy tác dụng, do các tổ chức tội phạm đã phát triển tới mọi ngõ ngách của xã hội. Chính quyền liên bang cho rằng cảnh sát và quan chức tại nhiều địa phương ăn lương của thế giới ngầm là chính. Do đó, sự có mặt của quân đội liên bang có rất ít ý nghĩa, bởi hầu hết hoạt động của họ đều được mật báo với thế giới ngầm.
Hồi đầu năm, khi tên của trùm ma túy Joaquin Guzman, 54 tuổi, biệt danh “Gã lùn”, xuất hiện trong danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes với tài sản 1 tỉ USD, đứng thứ 701, cả thế giới đã một phen kinh ngạc. Nhưng người dân Mexico thì chẳng mấy ngạc nhiên vì Guzman là một trùm khét tiếng trong thế giới ma túy đầy lợi nhuận tại nước này.
Chính lợi nhuận ngồn ngộn từ ma túy đã khiến các tổ chức tội phạm ngày càng điên cuồng, ráo riết mở rộng hoạt động.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)