Tháng 8.2003, phiên bản thứ 10 nặng 4,1 kg được thử nghiệm về khí động học và thủy động lực học (CFD) thông qua máy vi tính. 20 khối pin cung cấp 2.400 mAh giúp nó bay trong 4 phút với vận tốc tối đa 250 km/giờ. Tháng 11.2003, ý tưởng thương mại hóa sản phẩm hình thành và lúc này Claus-Peter Deissler được mời nhập cuộc. Ông là một trong các thành viên quản lý quỹ GmbH và đã từng tiếp thị thành công nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Năm 2004, vật thể bay này được đặt tên SmartFish và nhóm phát triển quyết định chọn viện nghiên cứu thuộc Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) để tiếp tục phát triển các phiên bản từ 11 đến 14D.
Đến tháng 6.2005, dưới sự hỗ trợ của một trong số những hãng thiết bị hàng không đứng đầu thế giới là Liebherr-Aerospace Lindenberg GmbH, phiên bản 18C dần thành hình. Nhóm thiết kế đã chọn vật liệu composite của hãng LTB Borowski để chế tạo SmartFish 18C. Tháng 8.2005, SmartFish nhận được sự hỗ trợ của Ulrich Schiefer, kỹ sư chuyên về khí động học đối với các xe hơi thể thao.
Tháng 9.2005, DLR quyết định giúp SmartFish sử dụng nguồn năng lượng sạch mà họ đã chế tạo trước đó. SmartFish được gắn hai bình khí nén hydro và oxy giúp nó có thể bay được 60 phút. Thành công này mở ra một tương lai tươi sáng cho SmartFish và hứa hẹn một cuộc cách mạng trong ngành hàng không. Rồi đây những chiếc phi cơ an toàn, kinh tế và tiện nghi hơn sẽ ra đời để phục vụ hành khách.
Phiên bản mới nhất của SmartFish được hoàn thiện trong năm 2009 có thể bay ở tốc độ Mach 0,85, qua quãng đường 10.000 km mới cần tiếp nhiên liệu. Trước mắt DLR và SmartFish dự kiến trong năm 2010 sẽ đưa ra sản phẩm có tên gọi HyFish. Đó là những chiếc máy bay mini không người lái, đảm nhiệm một số công việc hiện do các vệ tinh nhân tạo phụ trách như đo đạc, trắc địa, nghiên cứu khí quyển tầng cao.
Những con cá bay không người lái này sẽ đạt những thông số sau: dài 6m, sải cánh 4,7m, cao 2m, nạp 2 bình nhiên liệu, bay cao đến 7.000m, vận tốc từ 200 - 300 km/giờ.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)