Vựa muối đi nhập muối
Bạc Liêu xưa nay được coi là vựa muối, là tỉnh có diện tích và sản lượng muối sản xuất trong năm lớn nhất khu vực ĐBSCL. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.266 ha đất sản xuất muối, mỗi năm tổng sản lượng từ 100.000 - 130.000 tấn. Muối Bạc Liêu từ lâu nổi tiếng về chất lượng, không chỉ tiêu thụ rộng khắp các tỉnh trong khu vực, mà còn chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
“Ngay ở vựa muối mà lại nhập muối ngoại là điều vô lý và việc muối ngoại xuất hiện trên thị trường sẽ bóp chết diêm dân”. Ông Phạm Minh Quang - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu |
Thế nhưng, nghịch lý là ngay ở tỉnh được coi là vựa muối này lại đi nhập muối ngoại về tiêu thụ, chế biến. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù diêm dân Bạc Liêu vừa thu hoạch xong vụ muối trong năm, nhưng Công ty muối Bạc Liêu vẫn nhập muối Ấn Độ với sản lượng lớn. Từ tháng 3.2009 đến nay, mỗi ngày đều có hàng chục ghe chở muối nhập từ Ấn Độ đưa về Bạc Liêu tiêu thụ.
Ông Phạm Minh Quang - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu nói rằng việc Công ty muối Bạc Liêu nhập muối Ấn Độ về chế biến, tiêu thụ địa phương không quản lý được. Còn lượng muối ngoại nhập vào tỉnh bao nhiêu là do Tổng công ty muối VN quyết định điều tiết. Tuy nhiên, ông Quang khẳng định rằng, ngay ở vựa muối mà lại nhập muối ngoại là điều vô lý và việc muối ngoại xuất hiện trên thị trường sẽ "bóp chết" diêm dân. Hiện nay, riêng tỉnh Bạc Liêu còn tồn đọng khoảng 25.000 tấn muối chưa tiêu thụ được.
Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng..., hiện các hãng nước mắm, tàu đánh cá, hãng sản xuất nước đá... cần lượng muối lớn để bảo quản, ướp sản phẩm cũng dùng muối ngoại. Thực trạng này làm cho diêm dân bao đời nay gắn bó với hạt muối rơi vào cảnh khốn khó tột cùng.
Muối ngoại hại diêm dân
Trong những ngày này, trên những đồng muối mênh mông ở tỉnh Bạc Liêu, đâu đâu cũng gặp diêm dân thấp thỏm lo lắng bởi muối đầy đồng mà không bán được.
Diêm dân Lâm Văn Lợi, xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình rầu rĩ: “Tôi làm muối cả chục năm nay, những năm trước làm ra hạt muối nào là bán hết hạt đó. Nay thu hoạch muối mấy tháng trời mà vẫn chưa bán được. Đầu năm ruộng muối bị những cơn mưa trái mùa làm thiệt hại trắng, gia đình tôi mắc nợ hàng chục triệu đồng. Vụ này nhờ nắng tốt thu hoạch được hơn chục tấn muối thì gặp nỗi khổ bán chẳng ai mua". Không riêng gì ông Lợi mà toàn xã Vĩnh Thịnh có hàng trăm hộ làm muối nợ nần như chúa chổm, bởi đa phần những hộ làm muối đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có muối lại không bán được thì lấy tiền đâu mà trả nợ?
Ông Nguyễn Quốc Toàn, xã Điền Hải, H.Đông Hải bức xúc: “Thời điểm này năm ngoái, ghe mua muối chen chúc dưới kênh xáng, chủ ghe phải đến tận ruộng hỏi mua muối. Năm nay thì ngược lại, mấy tháng chờ dài cả cổ cũng không thấy bóng thương lái. Thi thoảng cũng có một ghe đến mua, nhưng với giá rất thấp". Theo lời các diêm dân, vụ mùa năm 2008 giá muối luôn ổn định ở mức cao, có lúc lên đến 72.000 - 75.000 đồng/giạ (30 kg), nay giảm chỉ còn 40.000 đồng/giạ, nhưng rất khó bán.
Ông Nguyễn Minh Đang - Chủ tịch UBND xã Điền Hải (H.Đông Hải, Bạc Liêu) nói rằng Điền Hải là địa phương có diện tích sản xuất muối nhiều nhất của tỉnh. Toàn xã có 662 ha đất sản xuất muối, việc sản xuất muối của bà con năm nay gặp nhiều khó khăn, diêm dân có đến 3-4 đợt mất trắng vì mưa trái mùa, đến khi thu hoạch năng suất rất thấp lại không thể tiêu thụ được, giá muối vì thế cũng sụt giảm dần.
Trước tình trạng muối ngoại tràn ngập trên thị trường, bà con diêm dân đề nghị các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu muối ngoại. Bởi trên thực tế, hằng năm riêng ở Bạc Liêu sản xuất trên 100.000 tấn muối, nhưng thương lái chỉ thu mua khoảng 50.000 - 60.000 tấn, Công ty muối Bạc Liêu cũng thu mua chưa đầy 20.000 tấn/năm để chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn thì nhập muối ngoại làm gì?
Theo Thông tư hướng dẫn việc nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2009 của Bộ Công thương, muối được phép nhập khẩu với khối lượng là 250.000 tấn. Tuy nhiên, theo tin từ Tổng công ty muối VN, hiện lượng muối nhập khẩu về nước ta gần 500.000 tấn. Việc nhập khẩu muối như hiện nay đã khiến bao diêm dân ở khu vực ĐBSCL rơi vào cảnh khốn khó.
Ông Vương Minh Triều - một chủ vựa muối lớn ở tỉnh Bạc Liêu cho biết, gần một năm nay ông mua và phân phối cho các tỉnh từ Vĩnh Long xuống tận Cà Mau chủ yếu là muối Ấn Độ. Giá muối Ấn Độ mua tại TP.HCM loại tốt là 1,2 triệu đồng/tấn, bán ra từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá muối Bạc Liêu bình quân khoảng 400.000 đồng/tấn (muối Bạc Liêu là 2,2 triệu đồng/tấn; muối Bến Tre là 2,1 triệu đồng/tấn). Theo ông Triều, hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực ĐBSCL có sử dụng lượng muối lớn để phục vụ chế biến, ướp muối đã chuyển sang sử dụng muối Ấn Độ. Theo các chủ cơ sở này, muối Ấn Độ chất lượng kém hơn muối Bạc Liêu, nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều. |
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)