Mafia Ý phất lên nhờ khủng hoảng

28/07/2009 22:47 GMT+7

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội làm ăn béo bở cho mafia Ý, và điều đó đang khiến giới chức tại quốc gia Nam u này đau đầu.

Trong khi các doanh nghiệp trên thế giới chật vật gồng mình để tồn tại trong thời buổi suy thoái kinh tế thì các tập đoàn mafia ở Ý vẫn sống khỏe và làm ăn ngày càng phát đạt. Theo AP, giới điều tra Ý cho biết các tập đoàn xã hội đen đã dễ dàng thâu tóm hàng loạt cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, siêu thị, nhà hàng, cho nhiều doanh nghiệp “khát” tiền vay với lãi suất cao và mua lại biệt thự ở những khu dân cư sang trọng tại thủ đô Rome và thành phố Milan. Điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế đã trở thành “mỏ vàng” cho mafia ở quốc gia hình chiếc ủng này tha hồ khai thác.

“Đối với các bố già mafia, cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ đem lại thuận lợi”, công tố viên chống mafia tại Naples - ông Franco Roberti - nói. Thành phố cảng Naples chính là “quê nhà” của Camorra - một tập đoàn mafia khét tiếng ở Ý.

Trăm nẻo đường làm ăn

Kinh doanh hàng hiệu giả là một trong những cách làm giàu của các tổ chức mafia Ý trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Theo ước tính của Eurispes - một tổ chức tư vấn đặt tại Rome,  việc kinh doanh những mặt hàng này đã đem lại khoản lợi nhuận lên đến 6,3 tỉ euro (tương đương khoảng 153.000 tỉ đồng VN) cho mafia Ý hồi năm ngoái. Điều này cũng dễ hiểu khi trong thời buổi khốn khó hiện nay, người tiêu dùng đã bắt đầu thắt lưng buộc bụng bằng cách mua các sản phẩm có giá rẻ. Và những mặt hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã đáp ứng được mong đợi của họ.

Hiện có 4 tổ chức mafia lớn hoạt động tại Ý được thế giới biết đến, tất cả đều ở miền Nam: 'Ndrangheta ở vùng Calabria, Cosa Nostra ở đảo Sicily, Camorra ở vùng Campania và Sacra Corona Unita ở vùng Apulia.

Theo báo cáo của các cơ quan tình báo Ý, để có được mặt hàng thời trang giả hiệu, tập đoàn Camorra đã liên kết với nhiều tổ chức ở Trung Quốc để sản xuất hàng nhái gồm quần áo, giày dép, túi xách, kính, đồng hồ, nước hoa... rồi đem sang bán ở Ý và một số quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Anh và Đức. Theo nhận định của Giovanni Mainolfi - một quan chức cấp cao về hải quan và thuế ở Naples, kinh doanh hàng hiệu giả hiện sinh lời nhiều hơn buôn lậu ma túy. Ông Mainolfi đã nhẩm tính như sau: cứ mỗi đồng euro bỏ ra để sản xuất hàng nhái, Camorra thu về 10 euro, trong khi chỉ lời 6 hoặc 7 euro đối với mỗi euro chi cho việc buôn ma túy.

Ngoài kinh doanh đồ giả hiệu, mafia Ý cũng đã chuyển sang lĩnh vực bất động sản, siêu thị, nhà hàng và nhất là cho vay nặng lãi. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Khi rơi vào cảnh túng quẫn, không ít doanh nghiệp bị ngân hàng ngoảnh mặt làm ngơ. Thế là họ không có giải pháp nào khác là hướng về những tay cho vay nặng lãi. Các nhóm tội phạm cũng thường cử người lảng vảng tại các phiên đấu giá để biết doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn. Sau đó, bọn chúng tìm cách tiếp cận doanh nghiệp và đề nghị một khoản cho vay với lãi suất hấp dẫn khiến họ khó chối từ. Kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng các doanh nghiệp mất luôn khả năng trả nợ. Mafia Ý lúc này mới ra mặt tìm cách siết nợ và sau đó là mua lại nhà hàng, siêu thị... khi các doanh nghiệp phá sản.

Tại Rome, nhóm Camorra cũng hay giăng bẫy với cách thức trên. Thống kê trong năm ngoái, cảnh sát kinh tế Ý đã phát hiện gần 1.000 trường hợp siết nợ theo hình thức này.

AP dẫn lời Giancarlo Capaldo, một công tố viên chống mafia của Ý, cho hay các băng nhóm đang đẩy mạnh hoạt động ở nhiều khu vực có giá cho thuê nhà cao ngất ngưởng tại Rome. Giới điều tra còn cho biết tổ chức 'Ndrangheta hoạt động ở vùng miền nam Calabria đang từng bước thâu tóm các doanh nghiệp khó khăn và mua lại các tài sản với giá hời ở miền bắc Ý. Dần dần, mafia đã dễ dàng nắm trọn các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp. Đây cũng là cách giúp chúng rửa số tiền “bẩn” từ buôn lậu ma túy, vũ khí...

Trong các cuộc điều tra gần đây, cảnh sát ở Rome đã tịch thu một số tài sản trong số này. Giới chức cũng thu giữ được nhiều tài liệu chứng minh tổ chức Camorra đã thâm nhập vào thị trường mua bán xe hơi ở Rome. “Camorra lấy tiền (bất hợp pháp) ở miền Nam để đầu tư vào các ngành kinh doanh hợp pháp ở miền Bắc”, ông Giovanni Mainolfi cho biết thêm.

Chính phủ ra tay

Trong chiến dịch mang tên “Đồng tiền dễ kiếm” (Easy Money), cảnh sát Ý vừa qua đã tịch biên một khách sạn ở khu nghỉ mát cao cấp Punta Ala, một siêu thị, hai chiếc xe hơi Ferrari, một trạm xăng ở vùng Reggio Emilia, miền Bắc nước Ý và nhiều bất động sản khác, AP cho hay. Tổng trị giá của những tài sản bị tịch thu lên tới khoảng 30 triệu euro. Đây được xem là số tiền đầu tư của tổ chức Camorra, có được từ buôn lậu ma túy. Gần đây nhất, hôm 22.7, theo BBC lực lượng chống mafia và an ninh kinh tế Ý đã tịch thu một khối lượng tài sản rất lớn của băng nhóm 'Ndrangheta với tổng trị giá lên đến hơn 200 triệu euro. Cảnh sát cũng tịch thu một quán cà phê nổi tiếng có tên Cafe de Paris và một nhà hàng sang trọng nằm tại khu trung tâm của Rome.

Eurispes ước tính tổng doanh thu của các tập đoàn mafia Ý đã lên tới khoảng 130 tỉ euro trong năm 2008, tương đương 8% GDP của nước này. Theo Eurispes, nhờ suy thoái kinh tế, hoạt động cho vay với lãi suất cắt cổ đã mang lại cho mafia 12,6 tỉ euro. Hãng tin Bloomberg cho hay doanh thu của các tổ chức mafia Ý trong năm ngoái đã tăng 40% so với năm trước đó. Khoảng 18.000 doanh nghiệp đã phải vay tiền gián tiếp hoặc trực tiếp từ mafia trong năm ngoái, AP dẫn thông tin từ Eurispes.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.