Tương truyền nàng Lý Thị Thiên Hương nổi tiếng là người con gái ngoan hiền, hay đi chùa và làm phước cho người dân trong vùng. Nàng sở hữu làn da bánh mật ngọt ngào. Một ngày kia, nàng đi đến núi Chiêng viếng chùa. Khung cảnh ở đây hoang sơ, vắng vẻ. Lúc trở về, Thiên Hương bị bọn cường sơn thảo khấu chặn đường cướp hành lý và hãm hại. Mặc dù là người tinh thông võ nghệ, nhưng thân gái thế cô, nàng đã lao mình xuống vực sâu quyên sinh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn dâm tặc.
Đêm đó, nàng đã báo mộng cho sư trụ trì chùa. Sáng hôm sau, sư trụ trì xuống vực sâu tìm được xác nàng đưa đi an táng.
Cũng từ đó, nàng Thiên Hương rất linh thiêng, thường hay cứu giúp dân làng trong khu vực. Tiếng lành đồn xa, người dân đã lập miếu thờ nàng trên núi. Từ đó, núi có tên là Bà Đen. Chúa Nguyễn Ánh khi bôn tẩu khắp miền Nam từng đến nơi này. Sau khi lên ngôi, xưng hiệu Gia Long, chúa đã sắc phong cho nàng Thiên Hương danh hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu. Tên chùa là Linh Sơn Tiên Thạch Tự (hay còn gọi là chùa Bà)
Đến thăm núi Bà Đen, du khách đừng quên bỏ qua món ốc núi và thằn lằn núi |
Linh thiêng chùa Bà
Ngày nay, hệ thống chùa Núi Bà có 4 chùa lớn: chùa Bà, chùa Hang, chùa Trung và chùa Mới. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là chùa Bà.
Nếu đi đến chùa Bà vào những đêm có trăng, chúng ta sẽ bắt gặp khung cảnh núi non mờ ảo, riêng chùa Bà lại hiện ra lấp lánh nhờ những tia sáng từ các tháp cao chót vót bên sườn núi chiếu rọi, một cảm giác vừa thực lại vừa ảo. Còn buổi chiều, khi ánh nắng đã nhạt màu, chùa Bà lại lấp lánh sắc vàng tươi, đứng từ sân chùa nhìn xuống lồng lộng gió, cho ta cảm giác thư thái như lạc vào chốn bồng lai.
Từ dưới chân núi lên tới điện Bà bạn phải mất gần 1 giờ mới đến nơi. Ai đến núi Bà Đen mà không lên chùa Bà thắp một nén nhang thì xem như chưa từng tới nơi này. Và, khi vía Bà, nếu không vào xin keo thì quả là phí công ghé thăm. Vào được trong điện Bà đã khó, xin keo còn khó hơn. Keo là thẻ bằng gỗ, một mặt lồi, một mặt bằng. Sau đó, người ta khấn vái việc mình cần giúp đỡ bằng tất cả lòng thành rồi tung keo lên. Tương truyền, nếu 2 cái keo 1 úp 1 ngửa thì xem như việc khấn giúp đã thành.
|
Còn đối với gia đình ông bà Lê Vĩnh Tòng và Nguyễn Thu Hoài ở P.4, thị xã Tây Ninh thì, hàng năm cứ đúng mùng 8 Tết là cùng nhau lên viếng núi Bà Đen, rồi trải chiếu cạnh chùa Bà ngủ lại 1 đêm. Ông bà cùng gia đình đã có thói quen này suốt 40 năm qua. Cả nhà ông Tòng đến đây không chỉ để xin lộc làm ăn mà còn thể hiện nét tín ngưỡng riêng. Bà Thu Hoài cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến đây tôi lại cảm thấy tinh thần rất thoải mái”.
Thử sức với núi Bà
Khách thập phương viếng núi Bà Đen không chỉ là những người đến cúng vái mà còn dặt dìu những đôi trai gái yêu nhau hay nhóm bạn học sinh, sinh viên…Thời gian qua, Tây Ninh đã đầu tư nhiều hạng mục công trình tại đây. Đó là hệ thống cáp treo và máng trượt hết sức tiện lợi. Lối đi bộ từ chân núi lên điện Bà đã được sửa sang với các bậc tam cấp dàn trải, thông thoáng, sạch sẽ. Đâu đó trên đường đi vẫn còn một vài đoạn chưa “tam cấp hóa”, tạo cho khách thập phương có cảm giác về con đường hành hương hoang sơ, gập ghềnh của ngày xưa.
Từ cổng chính vào đến khu cáp treo và máng trượt khá xa (2km) nên khu du lịch có phục vụ xe lửa nhỏ rước khách. Nếu không thích đi xe lửa, khách có thể chọn những chiếc xe ngựa.
Đặc sản Bà Đen
Nói đến khu du lịch núi Bà Đen không thể không nhắc đến hai món đặc sản tại đây. Đó là thằn lằn núi và ốc núi. Thằn lằn núi có thể nướng y hoặc chiên chấm muối tiêu chanh. Ốc núi ngon nhất khi hấp gừng, hấp xả.
Được biết, con ốc núi ăn lá cây Nàng Hai nên nhiều người thích thưởng thức vì trị được nhức mỏi. Ở núi Bà Đen có thể mua ốc núi ngay các quán tại chỗ, trong đó nơi có giá mềm nhất là quán Thùy Dương.
Nhiều quán ăn ở thị xã Tây Ninh cũng phục vụ 2 món hấp dẫn này với giá từ 25.000- 50.000 đồng/đĩa. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé dọc đường đi để mua những trái mãng cầu thơm ngon đặc trưng chỉ riêng ở núi Bà Đen mới có.
Chỉ cách trung tâm thị xã Tây Ninh khoảng 10 phút xe ô-tô nên khi viếng thăm núi Bà Đen, du khách có thể tìm đến các khách sạn thuộc khu trung tâm thị xã với giá từ 180.000 - 250.000 đồng/phòng/đêm.
Ngoài khách sạn Hòa Bình, khách sạn Song Lam cũng là nơi được nhiều du khách chọn vì chất lượng phục vụ tốt. Ngoài ra, khách sạn Đông Phương trên đường Lê Lợi cũng vừa khai trương đầu năm 2009, là một địa chỉ khá tốt cho du khách khi đến tham quan Tây Ninh và núi Bà Đen.
Nam Dương
Bình luận (0)