100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh

01/08/2009 17:12 GMT+7

(TNTS) Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH), thuộc thời đại đồ sắt cách nay trên 2.500 năm là nền văn hóa bản địa, có không gian phân bố rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn và sự giao lưu mạnh mẽ với Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á.

Cùng với Đông Sơn (miền Bắc) và Óc Eo (miền Nam), VHSH  là 3 cái nôi văn minh xưa, tạo thành tam giác văn hóa cổ đại của VN. Cách nay đúng 100 năm - 1909, VHSH được phát hiện và được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Chính vì thế mà vào ngày 24.7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ VH-TT-DL đã tổ chức Hội thảo 100 năm phát hiện và nghiên cứu VHSH.

Gần 60 tham luận của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã đi sâu phân tích, thảo luận những vấn đề nhân chủng, lịch sử tộc người, sự phát triển của VHSH trong phạm vi vùng lãnh thổ VN và mối giao lưu văn hóa, thương mại với các nền văn hóa trong vùng Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia cũng như sự phân hóa giàu nghèo để hướng đến sự ra đời của một nhà nước sơ khai. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải xây dựng con đường di sản VHSH và cần phải có sự liên kết giữa các tỉnh miền Trung trong không gian VHSH. Trong con đường di sản VHSH, tỉnh Quảng Ngãi phải giữ vị trí trung tâm bởi đây là nơi phát hiện đầu tiên về VHSH.

PGS - TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN trăn trở: Ngay ở Quảng Ngãi - quê hương của VHSH -  vẫn chưa có một bảo tàng có tầm vóc quy mô tương xứng với nền văn hóa độc đáo và rực rỡ này mà chỉ là một gian trưng bày về chuyên đề về VHSH. Vậy câu chuyện bảo tồn VHSH đang đặt ra nhiều vấn đề. Ông nói: “Làm sao biến các di tích của VHSH thành hành trang của thế hệ hôm nay, làm sao để những dấu ấn, những hiện vật của một nền văn minh rực rỡ huy hoàng ấy thành tài sản văn hóa, góp phần hữu hiệu cho phát triển kinh tế xã hội hôm nay”.

“Người Pháp chúng tôi rất vinh dự là người đầu tiên đã phát hiện và nghiên cứu VHSH. Nền VHSH là nền văn hóa, di sản không chỉ của VN mà của cả nhân loại. Những vật tùy táng, nhất là đồ trang sức của những cư dân Sa Huỳnh - cách ngày nay 3.000 năm rất đẹp và tinh xảo. Điều đó chứng tỏ rằng họ rất sáng tạo và yêu đời, đặc biệt là những phụ nữ rất biết làm đẹp”. Ông Herve Bolot - Đại sứ CH Pháp tại VN

Bài & ảnh: Hiền Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.