Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy bắt côn trùng của ông Lía

01/08/2009 22:54 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều nông dân từ các địa phương khác đã tìm đến thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), tìm gặp ông Trần Văn Lía để đặt mua hoặc nhờ chỉ dẫn cách chế tạo máy bắt côn trùng.

Tôi tìm đến nhà “kỹ sư hai lúa” Trần Văn Lía rất dễ bởi hỏi “ông nông dân chế tạo máy bắt côn trùng” thì nhiều người biết. Ông Lía cho hay: “Năm 2007, tôi mua mấy con bò lai đắt tiền về nuôi. Nhưng muỗi đốt nhiều quá, khiến bò mất ngủ, ốm đau, không lớn được. Tôi đã cố gắng tìm trên thị trường loại máy diệt muỗi, nhưng không có loại nào hiệu quả và phù hợp. Sau nhiều đêm mất ngủ, bỗng tôi nảy ra ý tưởng: tại sao không tự chế tạo một máy bắt muỗi phù hợp?”.

Sau nhiều lần mày mò thí nghiệm, ông Lía đã cho ra lò chiếc máy bắt muỗi có cấu tạo đơn giản: một chiếc quạt bàn, một ống hút và một ống đẩy (đều làm bằng tôn), một túi đựng muỗi bằng lưới mịn. Khi cắm điện, quạt chạy sẽ hút muỗi bay vào lưới qua ống hút và ống đẩy. Để thu hút muỗi vào ban đêm, ông Lía thiết kế một bóng điện màu và dán giấy màu phản quang vào mặt trong ống hút. Khi ông cho máy chạy thử trong chuồng bò nhà mình thì thấy hiệu quả hơn cả mong đợi. Ngay đêm đầu tiên, chiếc máy đã hút được hơn 2 lạng muỗi. “Thấy máy hiệu quả, tôi làm thêm vài chiếc nữa để đặt trong chuồng heo, chuồng gà và ở vườn. Lượng muỗi ngày càng giảm, bò và lợn không còn bị muỗi đốt nên ngủ ngon, chóng lớn, không bệnh tật. Muỗi bắt được trộn với cám làm thức ăn nuôi gà con rất tốt”, ông Lía hồ hởi nói.

Tiếp đó, ông Lía đặt và hướng dẫn thợ cơ khí chế tạo nhiều máy nữa, rồi phổ biến cho người dân quanh xóm. Do máy có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, hoạt động hiệu quả và giá chỉ 260.000 đồng/cái nên các hộ dân gần đó đã hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân từ Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cà Mau, Bến Tre... tìm đến nhà ông Lía để đặt hàng. Nhiều người ở xa gọi điện thoại nhờ ông Lía hướng dẫn kỹ thuật để tự thiết kế máy bắt muỗi đều được ông hướng dẫn nhiệt tình.

Ông Phạm Hồng Khánh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa được tổ chức 2 năm một lần. Năm nay có hơn 200 sản phẩm dự thi, trong đó tác giả là nông dân chiếm khoảng 30%. Chúng tôi đã nhận được bản thuyết trình về sản phẩm máy bắt muỗi của ông Trần Văn Lía gửi tham gia hội thi năm nay. Nhìn chung máy có cấu tạo khá đơn giản, dễ phổ biến, dễ sử dụng, giá cả phù hợp với người nông dân. Qua trình bày của ông Lía và thông tin từ người dân thì máy bắt muỗi này có hiệu quả cao. Tuy nhiên cần có sự đánh giá chính xác hơn từ phía Hội đồng chấm giải”.

Năm ngoái có một đoàn nông dân ở tận Cà Mau ra nhà ông Lía chơi và nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật chế tạo máy bắt muỗi; đoàn này về phổ biến rộng rãi cho các hộ nông dân xung quanh, được nhiều người ủng hộ và áp dụng rất hiệu quả. Đến nay, ông Lía đã bán được trên 400 máy; trừ tiền mua thiết bị và trả công thợ, lời khoảng 50.000 đồng/máy. Ông Lía tâm sự: “Tại TP Hồ Chí Minh có một số trang trại nuôi bò với số lượng lên đến hàng vài trăm con, nên có vệ sinh chuồng trại đến mấy thì muỗi vẫn sinh sôi phát triển. Từ ngày họ dùng máy bắt muỗi của tôi thì muỗi giảm đi trông thấy, bò ăn no ngủ khỏe. Nếu phổ biến việc sử dụng máy bắt muỗi trong từng hộ gia đình tại các vùng nông thôn, sẽ làm giảm đáng kể lượng muỗi trong tự nhiên, ổn định môi trường sinh thái, chăn nuôi có hiệu quả, góp phần hạn chế bệnh sốt rét và sốt xuất huyết...”. Hiện ông Lía đã gửi bản thuyết trình kỹ thuật, quy trình và hiệu quả hoạt động của máy bắt muỗi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần III (2008 - 2009).

Từ thành công trên, ông Lía đã cải tiến máy bắt muỗi thành máy bắt rầy cho lúa, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Về cơ bản máy bắt rầy và máy bắt muỗi giống nhau, nhưng máy bắt rầy có ống hút và ống đẩy dài và rộng hơn, có bình sạc điện và công tắc an toàn. Chế tạo xong, ông Lía cho chạy thử tại ruộng lúa bị rầy phá; máy có buộc một cành cây, kéo sát lá lúa để đánh thức rầy. Lượng rầy bị hút vào túi lưới khá nhiều. Tuy nhiên máy quá nặng (17 kg), nên ông đang nghiên cứu giảm khoảng 1/2 trọng lượng để thuận tiện cho nông dân khi phải mang đi xa. Theo ông Lía: “Nếu sản xuất hàng loạt, thay ống tôn bằng ống nhựa, thay bình sạc điện bằng bình sạc điện chuyên dụng, thì máy sẽ gọn nhẹ, giảm giá thành”.

Đã có một công ty ở huyện Ninh Hòa đã ký hợp đồng với ông Trần Văn Lía để sản xuất hàng loạt máy bắt muỗi. Theo ông Lía, máy bắt muỗi này sẽ được cải tiến hình dáng để gọn nhẹ và thẩm mỹ hơn; có thể đặt trong chuồng bò, phòng ngủ... Đây là tin vui đối với ông Lía nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hợp tác với những “kỹ sư hai lúa” như ông Trần Văn Lía.

Văn Kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.