Anh Hồ Tuấn (27 tuổi) ở thôn 8B, xã Thủy Phù, một trong những nạn nhân của vụ XKLĐ này, cho biết: “Ngay sau lần mấy ông cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh và Công ty LOD (tức Công ty cổ phần hợp tác lao động nước ngoài LOD (Labour Overseas Deployment Corporation - PV), đến địa phương tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài, chúng tôi đã làm thủ tục, hồ sơ nộp cho họ với nguyện vọng đi lao động ở CH Czech. Đến nay, tổng cộng mỗi lao động đã nộp 46 triệu đồng, nhưng vẫn không được đi XKLĐ như đã cam kết”.
Điều đáng nói, dù trước đó đã khám đủ điều kiện đi XKLĐ, nhưng đến cuối tháng 3.2009 anh Tuấn đổ bệnh, đi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế lại có kết quả bị ung thư máu. Anh Tuấn cho biết sau nhiều lá đơn cầu cứu, trình bày gia cảnh, bệnh tật, Công ty LOD mới trả lại cho gia đình anh 16 triệu đồng. Còn số nợ 30 triệu đồng ở Ngân hàng Chính sách H.Hương Thủy vẫn ngày ngày "đẻ lãi" mà chưa biết xử lý ra sao.
Bà Nguyễn Thị Huê (tàn tật cụt chân), ở thôn 8A, xã Thủy Phù cho biết: “Năm 2007, nghe cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Công ty LOD quảng cáo tuyển dụng lao động làm ở nước ngoài, thu nhập cao, tui đã cho đứa con trai út là Ngô Văn Tý làm hồ sơ đi xuất khẩu. Để có tiền nộp cho công ty, gia đình tôi vay Ngân hàng NN - PTNT chi nhánh H.Hương Thủy 11 triệu đồng, vay của bà con hàng xóm thêm 5 triệu đồng; sau đó thông qua Công ty cổ phần du lịch Hà Tây chi nhánh Hà Nội (đơn vị hợp tác với Công ty LOD để đưa lao động đi xuất khẩu - PV) vay thêm 30 triệu đồng ở Ngân hành Chính sách H.Hương Thủy để nộp. Nhưng đợi mãi không thấy được đi, mà đòi tiền lại cũng không được. Giờ thằng Tí phải vào Đà Nẵng tìm việc làm thuê để trả nợ".
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày 18.9.2007 thông qua Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công ty LOD liên kết với Công ty cổ phần du lịch Hà Tây chi nhánh Hà Nội, đến Hương Thủy quảng cáo và tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài. Có 92 lao động tại xã Thủy Phù đã đăng ký làm thủ tục đi XKLĐ, trong đó 39 lao động đăng ký đi lao động ở CH Czech. Ngày 18.10.2008, 5/39 lao động trên được bà Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Hà Tây chi nhánh Hà Nội, đưa qua Thái Lan để phỏng vấn. Khi qua Thái Lan, các lao động này mới biết họ được làm thủ tục đi Slovakia chứ không phải Czech. Phát hiện dấu hiệu bất thường, các lao động này đã phản ứng thì được bà Phương giải thích hoạt động XKLĐ tại CH Czech đã bị ngưng lại, nếu không chấp nhận đi Slovakia thì công ty sẽ trả tiền lại.
Trước phản ứng của người lao động, ngày 15.4.2009, Văn phòng đại diện Công ty LOD tại Huế có văn bản báo cáo cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế và gia đình các lao động. Văn bản này cam kết, những lao động không muốn tiếp tục đi xuất khẩu công ty sẽ hoàn trả toàn bộ tiền cọc, tiền vay ngân hàng cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần du lịch Hà Tây với Ngân hàng Chính sách xã hội H.Hương Thủy; những lao động vẫn có nguyện vọng tiếp tục đi XKLĐ sẽ được xuất cảnh trong tháng 4.2009. Thế nhưng, đến nay đã quá hạn hơn 3 tháng người lao động vẫn không được đi xuất khẩu và nhiều người vẫn chưa nhận được tiền hoàn trả theo cam kết.
Theo một cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở đã có công văn mời bà Trần Thị Phương Thanh và ông Lê Minh Toàn, Trưởng văn phòng đại diện Công ty LOD tại Huế, đến làm việc nhưng cả hai đều không đến. Hiện Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị công an tỉnh vào cuộc để làm rõ.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)