Việt sách vì khiêu chiến Harry Potter
Tết năm 2001, bố của Kim Dương mua quyển Harry Potter làm quà năm mới cho con trai. Xem qua quyển sách, cậu bé nói ngay với vẻ mặt đầy tự tin: “con cũng có thể viết sách”. Cả nhà lúc đó đều cười xòa trước câu nói ngây ngô của đứa bé 7 tuổi.
Một tháng sau, mẹ của Kim Dương phát hiện thấy con trai mỗi ngày đều ngồi trước máy vi tính để vừa đánh chữ vừa tự kể chuyện. Bà cũng đứng sau cửa để “nghe lén” những lời thì thầm dễ thương của Kim Dương. Có điều, cậu bé 7 tuổi thao tác chưa được nhanh lắm, vì sau khi miệng tự kể một đoạn thì loay hoay mãi một lúc, tay vẫn không gõ ra chữ.
Kim Dương dùng bút danh Dương Dương để viết sách, cậu đã nói với báo giới rằng: “Kỳ thực mục đích của em đơn giản chỉ là muốn chứng minh cái tự mình viết có thể cạnh tranh với sức ảnh hưởng ghê gớm của Harry Potter”. Tác phẩm của Kim Dương nổi bật ở chỗ chúng được viết bởi nhãn quan của một cậu bé, sáng tác bằng sự tưởng tượng qua ngôn ngữ của trẻ con.
Tháng 4-2003, quyển tiểu thuyết đầu tiên Thời quang ma cầm (Cây đàn bí ẩn của thời gian) của Kim Dương đã được tờ Nhân dân nhật báo xuất bản. Thời quang ma cầm bao gồm 240.000 chữ, thật sự rất cuốn hút độc giả, đặc biệt là trẻ em. Các độc giả nhí sau đó đã dùng ngôn ngữ ngây thơ của mình để ca ngợi Kim Dương trên các diễn đàn. Và cuốn tiểu thuyết này được giới bình luận gọi là “Harry Potter của Trung Quốc”.
Sau khi xuất bản không lâu, Tập đoàn liên hiệp đầu tư Tài Phú Quốc Tế của Mỹ đã mua tác quyền tiểu thuyết Thời quang ma cầm với giá 150.000 USD để giành quyền xuất bản ở nước ngoài. Người đứng đầu tập đoàn này tại Trung Quốc nói: “Chúng tôi xem trọng sức sáng tạo của một đứa bé, nhất là khi tác phẩm của em có khả năng trở thành nhãn hàng nổi tiếng”.
Kim Dương là một tiểu thuyết gia nhí rất hoạt bát, vui tính và năng động với quan điểm “tùy hứng”, tức “thích gì làm nấy”. Kể từ khi phát hiện tài năng bẩm sinh của con trai, bố mẹ Kim Dương đã mua tặng con mình một cây bút có thiết bị ghi âm, để cậu tự đọc rồi thu giọng vào sau đó viết ra dễ dàng hơn, nhưng nhà văn nhí lại không quen nên thích “xài” cách cũ: “miệng kể tay gõ”, vả lại càng ngày, khả năng gõ máy của Kim Dương càng nhanh.
Học nhảy lớp
Lúc được 7 tháng tuổi, Kim Dương phải sống với bà nội cho tới gần 7 năm sau, cậu nhóc mới về lại sống với bố mẹ. Kim Dương cùng bà nội xem TV mỗi ngày, từ nhỏ cậu đã sống trong môi trường tiện nghi, nên cơ hội thu nạp thông tin từ bên ngoài cũng vô cùng phong phú. Cậu thừa nhận, chính TV, máy tính và phim hoạt hình đã ảnh hưởng không nhỏ đối với trí tưởng tượng của bản thân. Mặc dù đam mê sáng tác song Kim Dương vẫn rất chăm chú việc đèn sách. Cậu là học sinh “nhảy lớp” xuất sắc ở trường. Mới 9 tuổi Biên Kim Dương đã học lớp 6 và nhiều năm liền đều đạt danh hiệu học sinh 3 tốt.
Một phóng viên từng hỏi Kim Dương: “Em nghĩ sao khi người ta nói em sinh ra đã là bậc thiên tài”. Tác giả nhí dõng dạc “chỉnh” người phỏng vấn: “Em không nghĩ vậy, bất cứ thiên tài nào thì cũng chỉ có 1% là bẩm sinh, và 99% còn lại là nỗ lực cá nhân”.
Trần Ka
Bình luận (0)