Tranh cãi chuyện sinh con ở Trung Quốc

03/08/2009 01:05 GMT+7

Chính sách chỉ sinh một con đã, đang và vẫn tiếp tục gây tranh cãi ở Trung Quốc.

Hệ lụy từ chính sách “một con”

Trên một chuyến tàu từ Nam Ninh lên Bắc Kinh, tôi có dịp chuyện trò với một cặp vợ chồng quê lên thành phố làm việc. Chị vợ hồn nhiên khoe thằng nhóc đang ngồi trong lòng là đứa thứ hai do tìm cách lách được chính sách “một con” do nhà nước ban hành từ năm 1982. Bật mí về “bí quyết” của mình, chị vợ bày tôi cách đút tiền đi xin giấy chứng nhận bệnh viện là đứa con đầu bị dị tật hoặc ốm đau nặng liên miên, đề nghị được sinh con thứ hai để thay thế phòng trường hợp bất trắc.

Chị này cho biết cách làm này khá hiệu quả, được áp dụng rộng rãi ở quê chị - những tỉnh phía nam xa xôi, ít bị chính quyền trung ương xét nét kiểm soát. Không chỉ riêng cặp vợ chồng này, nhiều hộ gia đình khác, đặc biệt ở các vùng thôn quê cần nhiều sức lao động, đều không chịu thực thi chính sách trên. Họ luôn tìm mọi cách như chấp nhận đóng thuế phạt khi sinh thêm con, con ruột nhưng giả làm con nuôi...

Trên thực tế nhiều năm qua, chính sách “một con” phần lớn chỉ được kiểm soát gắt gao ở các thành phố lớn đông dân cư như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... Do tâm lý trọng nam khinh nữ, cho rằng chỉ có đàn ông mới duy trì được gia đình, phần lớn các cặp vợ chồng sẵn sàng phá thai để chọn con theo đúng giới tính, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng trong xã hội.

Theo trang web của Ủy ban Dân số Trung Quốc (www.chinapop.gov.cn), sau hai mươi năm qua, do áp dụng triệt để quốc sách chỉ sinh một con, tỷ lệ dân số của Trung Quốc sụt giảm tới 200 triệu người. Tỷ lệ nam giới hiện chiếm tới gần 70%, tỷ lệ nữ giới chỉ còn 30% tổng dân số toàn Trung Quốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm nữ giới trầm trọng. Nhiều nam giới ở nước này sẽ có tương lai sống độc thân dài dài do không kiếm được vợ. Cũng theo số liệu của ủy ban này, tới năm 2020, số nam giới vẫn tiếp tục cao hơn nữ giới tới 30 - 40 triệu người.

Tân Hoa xã cũng cho biết, căn cứ vào “Báo cáo tình trạng phát triển của thanh niên Trung Quốc đương đại” của Trung tâm Nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc, tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình ngày một gia tăng. Tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình ở độ tuổi từ 15 - 35 so với dân số cả nước từ 38,23% (năm 1995) lên tới 45,71% (năm 2005). Trong đó các chuyên gia dân số tiên đoán, thị trường hôn nhân khi thế hệ nam giới 9X đến tuổi lập gia đình sẽ đặc biệt khủng hoảng, ít nhất sẽ có 10% nam giới thế hệ 9X không thể tìm nổi bạn đời.

Cũng chính vì vậy, trong mấy năm trở lại đây, vị trí của phụ nữ ở Trung Quốc có thay đổi. Do lo ngại không kiếm được vợ và không giữ được vợ, nhiều đàn ông Trung Quốc đã ra sức tích cực tăng cường lo toan việc nhà, từ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đến đưa đón con đi học, chiều chuộng vợ hết mực. Chính sách “một con” cùng việc khan hiếm phụ nữ đã sản sinh ra một thế hệ phụ nữ mới ở Trung Quốc với tính cách mạnh mẽ, độc lập và tự tin hơn.

Họ ý thức được vị trí, tầm quan trọng của mình và ra sức tận dụng thế mạnh hiếm có này. Rất nhiều cô vợ dù nhan sắc trung bình vẫn rất có uy quyền và chỉ cần dọa bỏ cũng đủ khiến chồng và cả nhà chồng khiếp hãi, càng ra sức chiều chuộng.

Tuy nhiên việc chỉ sinh một con cũng kéo theo hệ lụy mọi gánh nặng gia đình cả hai bên nội, ngoại đều dồn cả lên đứa con đó. Điều này cũng đem lại không ít áp lực cho những cậu ấm cô chiêu con một sau này khi trưởng thành, trung bình cứ một người con phải có trách nhiệm nuôi ít nhất bốn người (bố mẹ già cùng ông bà). Đó là chưa kể tới nhiều mâu thuẫn gia đình khó giải quyết khi bên nào cũng giành nhau chăm cháu.

Thượng Hải cổ vũ sinh con thứ hai

Theo báo Thanh Niên Trung Quốc, cuối tháng 7 qua, nhà chức trách Thượng Hải gây sốc khi tuyên bố động viên các gia đình có điều kiện sinh tiếp con thứ hai, đặc biệt khi cả người chồng và người vợ đều là con độc nhất. Bà Tạ Linh Lệ - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số thành phố Thượng Hải giải thích chính sách trên ra đời là do năm 2008, số người già từ 60 tuổi trở lên ở Thượng Hải đã lên tới 3,57 triệu người (chiếm 21,61% tỷ  lệ dân số thành phố), sánh ngang với những nước có tỷ lệ dân số già cao trên thế giới như Nhật Bản, Thụy Điển... Các quan chức của thành phố này đang rất lo ngại khi thấy ngày càng thiếu hụt một lực lượng lao động trẻ khỏe, đặc biệt trong thời cuộc cạnh tranh kinh tế gắt gao như hiện nay.

Họ cho rằng để thành phố tiếp tục phát triển, cần có thêm nguồn lao động mới, cần khuyến khích sinh con thứ hai. Tuy nhiên nhiều hộ gia đình cũng cho biết việc sinh thêm con hiện không đơn giản vì chi phí trung bình để nuôi dưỡng một đứa trẻ ở nước này lên tới 480.000 tệ. Cũng thông tin từ báo trên cho biết theo điều tra ở Trung Quốc, có tới 83,4% hộ gia đình thừa nhận phải chịu áp lực kinh tế trong vấn đề nuôi con.

Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng tán thành suy nghĩ này như giới chức Thượng Hải. Chính quyền thành phố Quảng Châu tuyên bố không cổ vũ sinh con thứ hai do thành phố này luôn đông dân và dư thừa lao động nhập cư. Họ cho rằng việc khuyến khích sinh thêm con thứ hai sẽ kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng toàn xã hội như việc tăng vọt dân số, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài nguyên chung, mâu thuẫn giữa con người với tài nguyên và môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội...

Nhiều thành phố khác cũng góp ý với Thượng Hải nên sử dụng lao động nhập cư thay vào việc ra chính sách động viên sinh con thứ hai, và mở rộng chính sách hộ khẩu Thượng Hải để thu hút người từ địa phương khác tới sinh sống và làm việc. Tại một số địa phương nông thôn, các học sinh nữ con một được hưởng chính sách ưu đãi cộng điểm khi thi đại học.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.