Tinh tế hương vị núi rừng
Người trong buôn cho rằng, bà Rơ Ông Môn được Yàng (trời) phú cho đôi “tay ngọt” nên ché rượu nào do bà làm cũng ngon và thơm. Thuở nhỏ, mỗi khi thấy mẹ làm rượu chuẩn bị cho lễ hội của cộng đồng là Rơ Ông Môn lại líu ríu bên mẹ, chăm chú theo dõi từng động tác của mẹ nên thuộc luôn cách làm từ đó.
Cây men rừng làm rượu cần tên là Ndòng, có thân cao gần bằng cây cà phê, không hoa, thường mọc ở vùng đồi thấp, rễ màu vàng, ngửi có mùi thơm của men. Rơ Ông Môn nói rằng bà và người dân ở buôn Bon Đơng I thường cuốc lấy rễ của cây này, rửa sạch, đẽo phần vỏ vàng ươm, phơi khô, rồi giã thành bột làm men.
Ngoài Ndòng ra, còn có một cây rừng dùng làm men rượu nữa thân thấp hơn, hoa màu vàng, nhưng được dùng ít hơn vì cho rượu có vị ngọt song không thơm bằng Ndòng.
Tới Lâm Đồng, để thưởng thức rượu cần ngon, nên tìm đến nhà bà Rơ Ông Môn
|
|
Vị ngọt mát, nồng nàn rỉ ra từ vò rượu hòa vào nước chính là sự kết tinh hương vị của núi rừng, từ trong gạo rẫy và rễ cây rừng. Khi chúng tôi đến, tại nhà Rơ Ông Môn, một nong cơm rất to đã được trộn men ủ từ 2 ngày trước, bây giờ chỉ đợi cho vào từng ché là xong.
Ở góc nhà, hàng chục ché rượu đã đến kỳ “xuất xưởng” tỏa mùi thơm ngất ngây. Bên nong cơm đã trộn men, từng muôi cơm được Rơ Ông Môn múc gọn ghẽ đưa vào ché, bàn tay thuần thục khéo léo…
Một ché, hai ché, rồi hàng chục ché lần lượt được ủ trấu, bịt kín miệng bằng nylon để bảo quản. Bà Rơ Ông Môn cười nói: “Dù bịt kín miệng đến đâu thì chỉ vài ngày nữa là mùi thơm tỏa ra khắp nhà. Chỉ một tháng nữa là uống được”. Vừa trò chuyện, bà Môn vừa đều tay cho cơm rượu vào ché.
Ché rượu chân truyền
Thừa hưởng bí kíp làm rượu từ mẹ khá sớm, nên khi chỉ mới 12 tuổi, Rơ Ông Môn đã làm được ché rượu đầu tiên. Nay đã 52 tuổi, 40 năm qua bà không tính được mình đã làm ra bao nhiêu ché rượu.
Hiện nay, cứ 15 ngày, bà lại nấu cơm, ủ rượu một lần nên trong nhà lúc nào cũng thoang thoảng mùi men. Càng gần đến ngày uống được, những ché rượu càng tỏa ra hương thơm nồng đậm hơn.
Mỗi tháng bà Rơ Ông Môn chế biến rượu 2 lần, 60 kg gạo nấu thành cơm rượu, làm được khoảng 20 – 30 ché, bán với giá 80 ngàn đồng/ché. Trừ tiền gạo, tiền mua ché (bằng gốm), mỗi ché rượu bà cũng kiếm được 30 ngàn đồng.
Nhờ vậy mà từ hơn 10 năm nay, bà có thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi để nuôi lớn và cho cả 12 đứa con học hành đầy đủ, trong đó có 3 con đã tốt nghiệp đại học.
Khác với các loại rượu cần “nhái” được sản xuất hàng loạt, để lâu có vị chua, khó uống; rượu cần do bà Rơ Ông Môn làm càng để lâu càng thơm ngọt, độ cồn rất thấp nhưng chỉ rít một cần cũng đủ làm cho chuếnh choáng. Vì vậy, rượu bà làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu.
Rất nhiều đoàn du khách sau khi tham quan vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Lang Bian đã ghé nhà Rơ Ông Môn mua rượu cần mang về phố làm quà.
Ngôi nhà sàn to nhất buôn của gia đình bà cũng là nơi giao lưu văn hóa cộng đồng của nhiều du khách muốn tìm hiểu nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, ở nhiều khu du lịch của tỉnh, rượu cần mang ra tiếp khách đều mang "thương hiệu" Rơ Ông Môn.
Quỳnh Uyển
Bình luận (0)