Đó là ông Đinh Công Viên, hiện đang sống ở thôn Khuyến Công, xã Khả Phong, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ông Viên sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo khó của vùng chiêm trũng Hà Nam. Trước khi gia nhập thanh niên xung phong, ông mới chỉ kịp theo học 3 tháng bình dân học vụ, đủ để biết ghép chữ cái và đánh vần tiếng Việt. Khi rời chiến trường, ông Viên phải bươn chải ở nhiều tỉnh Tây Bắc với đủ thứ nghề để kiếm sống. Năm 1985, ông quyết định trở lại quê hương mong an cư lập nghiệp. Ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thấm thía sự cực nhọc của người nông dân, trong ông nảy ra suy nghĩ: phải tạo ra một cái máy, bắt nó phải làm thay phần việc của nhà nông.
“Sự nghiệp” chế tạo máy nông cụ được ông Viên bắt tay gầy dựng vào một ngày mùa 20 năm về trước. Khi đó, nhìn những ngón tay của người thân bị trầy xước vì tẽ ngô, ông quyết định sẽ làm bằng được chiếc máy tẽ ngô để vợ con đỡ khổ. Tận dụng những bộ phận của máy tuốt lúa hỏng và hì hục đục, đẽo, tháo, lắp mất hai tháng trời nhưng máy vẫn chưa chạy tốt, lúc thì kẹt, lúc thì hạt ra lẫn lõi. Xóm giềng bắt đầu gièm pha. Người thân thì can ngăn vì xót hơn 1 triệu đồng mà ông đã đổ vào cái máy. Tự nhủ với bản thân “không thể thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, mặc cho mọi người bảo là đồ “dở hơi” ông vẫn tiếp tục công việc của mình. Cuối năm 1999, chiếc máy tẽ ngô đầu tiên do ông chế tạo thành công có công suất tẽ 3 tạ ngô chỉ trong 30 phút, nhanh gấp 20 lần làm bằng tay, đã nhanh chóng được nhiều người trong làng ngoài xã biết đến.
Chiếc máy này có thể tẽ 4 tấn ngô trong 1 giờ - Ảnh: H.N |
Hiện nay, trong nhà ông Viên đã có các loại máy có thể tẽ ngô với công suất từ 1 tấn, 3 tấn, 4 tấn, 5 tấn, 10 tấn/giờ; khi vò lúa và đỗ cũng đạt 3 sào/giờ. Mỗi chiếc máy đa năng loại công suất 1 tấn ngô/giờ được ông Viên bán với giá 2,5 triệu đồng, máy 10 tấn/giờ giá chỉ 6 triệu đồng. Đây là giá mà người nông dân chấp nhận được, nên không chỉ có người Hà Nam mà nhiều nông dân ở tận Hòa Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình… đã tìm đến mua, đem về sử dụng. |
Những chiếc máy này, theo ông Viên, đều có cấu tạo gồm hai phần cơ bản là thân máy và đầu động cơ (bằng mô-tơ điện hoặc đầu máy nổ; có thể tháo rời và ghép nối với những loại đầu máy nổ công suất khác nhau). Thân máy được thiết kế đơn giản bao gồm khung máy và quả lu vận tải vật liệu nằm bên trong khung máy. Ban đầu ông tận dụng những thùng phuy nhựa đường để làm khung máy, sau đó ông dùng tôn để gò khung. Ngoài ra, máy còn có các bộ phận khác như: khung ghế ngồi và hai bánh dẫn chuyển máy. Phần quan trọng và khó làm nhất, đó là quả lu và búa đập băng chuyển tải. Mỗi một quả lu được thiết kế cho phù hợp với một chức năng, hoặc là tẽ ngô, hoặc là thái trộn thức ăn chăn nuôi... Người sử dụng có thể tháo rời quả lu để thay thế quả lu khác khi sử dụng máy với chức năng khác.
Để tiện dụng cho người nông dân ngay cả khi sản xuất ở ngoài đồng hay trong nhà, ở gần nguồn điện hay xa nguồn điện, lúc có điện hay mất điện, chiếc máy được cấu tạo có thể chạy cả bằng điện hoặc bằng xăng. Tính trung bình, nếu chạy bằng điện thì 1 giờ mới hết 1Kw, còn chạy bằng xăng thì 1 giờ tốn chưa đầy 0,65 lít.
Trò chuyện với chúng tôi, nhà chế tạo máy chân đất này cho biết, ông làm máy, kiếm lợi không phải là mục tiêu cao nhất. Chính vì thế, làm nghề hàng chục năm nay, bán gần trăm chiếc máy rồi nhưng ông vẫn chưa có tiền để mở xưởng và thuê thợ. Hằng ngày, một mình ông cặm cụi lắp ráp máy ngay trong góc sân nhà mình. Toàn bộ đồ đạc, dụng cụ làm việc được tập kết ở đầu hè của căn nhà cấp 4 đã cũ nát. Thậm chí, ông chưa sắm được chiếc máy khoan sắt nên vẫn phải đục thủ công bằng tay búa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sản phẩm của ông làm ra không được bóng bẩy, nhìn bắt mắt cho lắm. Nhưng ông vẫn tự hào về sản phẩm của mình. Ông chia sẻ: “Bà con mình còn nghèo, tôi cũng biết làm đẹp sẽ ưng mắt hơn, nhưng đắt hơn thì bà con nông dân sẽ khó có thể tự mua được máy cho mình”.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Viên bật mí: “Tôi đang thử nghiệm chiếc máy cấy mạ trên nền đất mềm. Có thể sẽ hoàn tất nay mai thôi”.
Những sáng chế chưa mang lại sự giàu sang cho bản thân lão nông Đinh Công Viên nhưng nó đã và đang góp phần giúp bà con nông dân đỡ cực hơn, kinh tế gia đình ông dễ thở hơn.
Hà Trần
Bình luận (0)