Diễn viên nhí đắt sô

08/08/2009 14:46 GMT+7

Trên sân khấu, trong phim ảnh, có những vai diễn được giao cho các em thiếu nhi, mặc nhiên các em trở thành “diễn viên nhí”. Có một số diễn viên nhí hiện “đắt sô” không thua gì người lớn.

Cát Cát lên sàn diễn từ... 14 tháng tuổi

Cô bé Phạm Thị Cát Cát là con của anh Phạm Việt Thanh, người nhắc tuồng rất giỏi của cải lương và kịch, phim. Bé lấy luôn “nghệ danh” là Cát Cát. Mới 14 tháng tuổi bé đã được “diễn” trong vở cải lương Người điên trong bóng tối, chỉ có “nhiệm vụ” là... khóc quá trời quá đất! 18 tháng, Cát Cát lại “diễn” tiếp trong vở cải lương Bông hồng cài áo, được NSƯT Ngọc Giàu bỏ lên thúng gánh đi. Cô bé mặc áo bà ba nhỏ xíu, ai trông thấy cũng xuýt xoa thương. 5 tuổi, Cát Cát đã ca được những bài bản dễ, đóng trong vở Bến đỗ tình yêu. Từ đó bé diễn liên tiếp mỗi năm mấy vở, vừa cải lương vừa kịch, như Tình cao thượng, Chọn vợ cho ba, Nhứt vợ, Siêu mẫu si tình, Ngàn lẻ một kiểu ghen, Người chồng bất đắc dĩ... và chuyên mục Chuyện không của riêng ai của HTV. Cát Cát còn được mời casting cho một số phim, nhưng bị chê vì... hơi ốm.

Cát Cát có gương mặt dễ thương, hiền lành. Mới 10 tuổi nhưng đã biết lên mạng rành rẽ, là học sinh giỏi (nếu không, cha mẹ không cho bé đi diễn). Thấy con mê sân khấu, anh Thanh cũng mừng, nhưng nhất quyết bắt con phải lo học trước đã. Thật ra, ban đầu anh cũng đâu có tính cho con theo nghề, chỉ vì cơ duyên mà bé được “ẵm” lên sàn diễn. Thế là như một phần số định sẵn, nghệ sĩ cứ “mượn” con nhỏ hoài, riết rồi cho nó... diễn luôn. Bé “học nghề” từ các cô chú, học ca cải lương cũng vậy, theo kiểu nghề truyền nghề, như một năng khiếu trời cho.

Mỹ Sang chạy show mệt nghỉ!

 Bé Cát Cát trong vở  Siêu mẫu si tình - Ảnh: H.Kim

Bé Cát Cát trong vở  Siêu mẫu si tình - Ảnh: H.Kim

Bé Mỹ Sang lại là học trò của đạo diễn Lê Cường (Đội kịch Tuổi Ngọc) suốt 5 năm liền. Lớp học của Lê Cường dạy biểu diễn sân khấu rất bài bản, nên học trò của anh “rải” đều từ phim tới kịch. Chẳng những thế, Mỹ Sang còn học đàn, học múa hiện đại để bổ sung cho nghề diễn. 16 phim đã đóng, nào Nghề báo, Sóng gió thương trường, Mùi ngò gai, Bỗng dưng muốn khóc, Nụ hôn thần chết, Xin lỗi tình yêu, Hoa dã quỳ... Kịch thì có Về đâu, Phiên tòa của chúng mình, 270 gram, và mới đây là Cánh đồng bất tận. Chưa kể các chương trình truyền hình thường xuyên mỗi tuần như Có lý có tình, Gia đình yêu thương, Khúc đồng dao, Mũi tên vàng, Lanh tay lẹ mắt... Hè này Mỹ Sang còn đóng phim Tình không lừa dối với khoảng 50 phân đoạn, coi như “chạy sô” mệt nghỉ.

Vào hậu trường Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM lúc chuẩn bị diễn vở Cánh đồng bất tận, thấy bé Mỹ Sang và bé Hoàng Kim thay bộ quần áo bà ba thật dễ thương. Đó là vai Điền và Nương lúc còn nhỏ. Hai đứa nét mặt hồn hậu, nhất là bé Hoàng Kim nước da ngăm ngăm rất giống con trai miệt đồng. Hai đứa cùng 9 tuổi, cùng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Hoàng Kim cũng học với thầy Lê Cường 3 năm, tham gia một số vở kịch ngắn như Phạm Công Cúc Hoa, Mẹ gà mẹ khỉ, Siêu nhân, Anh chàng số 9... và nhiều chương trình ca nhạc.  Ba của Hoàng Kim là giám đốc một công ty nhỏ, cả ngày bận bịu nhưng vẫn tranh thủ ban đêm làm tài xế cho con. Anh cười: “Tôi thấy con thích diễn thì chiều. Miễn nó sống vui và lành mạnh. Còn mai này nó có thích theo hẳn sân khấu hay không thì tùy nó, mình chẳng ép”.

Còn mẹ của bé Mỹ Sang coi như chọn hẳn luôn công việc “quản lý” cho con, khỏi làm nghề gì hết. Bởi Mỹ Sang có sô liên tục, chỉ việc đưa đón, chăm sóc thôi đã quá bận. Hết đi tỉnh này tới tỉnh khác, rồi diễn lòng vòng trong thành phố, thức khuya dậy sớm là chuyện thường. Chị kể: “Mỹ Sang có cái hay là rất dễ ngủ, tranh thủ chút xíu cũng ngủ được, khi dậy thì tỉnh táo ngay. Chúng tôi cố gắng không đến trễ vì sợ đoàn phim dị nghị, cho rằng chưa gì đã mắc “bệnh sao”. Mỹ Sang cũng tập được nề nếp ấy, không hề than thở”. Tôi tỏ ra e ngại khi bé phải làm việc căng theo đoàn phim. Mẹ bé cười: “Không đâu, tôi biết giữ sức cho con mình chứ. Ngày hè thì cho đi thoải mái, nhưng vô năm học tôi chỉ cho đi vào ngày cuối tuần. Nói gì thì nói, học phải là quan trọng hàng đầu”.

Mỹ Sang thay bộ áo bà ba xong liền cởi đôi hoa tai đem cất. Tôi hỏi tại sao, bé trả lời: “Đóng vai nghèo mà cô, đâu có được đeo bông tai”. À, thì ra cũng nắm được nhân vật. “Nè, mai mốt lớn lên con thích làm nghệ sĩ không?”. “Dạ thích”. “Nhưng nếu không làm được thì con chọn nghề gì?”. “Dạ, bác sĩ”. Nhưng xem ra chạy sô kiểu này thì coi như chuyên nghiệp rồi còn gì, con đường nghệ thuật của bé có vẻ chắc ăn hơn cả!

Minh Thi rong ruổi đường xa

Trên sân khấu Phú Nhuận có một cậu bé gây bất ngờ với vở Kẻ quấy rối của đạo diễn Đức Thịnh. Đó là bé Minh Thi. Năm ấy Minh Thi mới 10 tuổi, nhưng lanh lợi khác thường, giọng thoại rất tốt, diễn tâm lý cũng thật sâu sắc. Em đóng vai đứa con có người cha tật nguyền phải ngồi xe lăn, và mẹ thì làm thư ký cho một công ty. Nhà rất nghèo, nhưng hai cha con rất hồn nhiên, yêu đời, tung hứng với nhau trong từng trò chơi, từng câu nói. Minh Thi làm khán giả ngạc nhiên, và ấn tượng rất mạnh. Hóa ra đó cũng là gương mặt quen thuộc của các phim Kính vạn hoa, Mùa thu đi một nửa, Gia tài bác sĩ, Khu vườn bí ẩn, Hoa ngũ sắc... và các vở kịch Cánh cửa thiên đường, Gameshow những người cha, Nhiệm vụ bất khả thi, Kỹ nghệ lấy Tây... Một diễn viên nhí cũng đắt sô khủng khiếp!

Giờ Minh Thi đã 13 tuổi, học lớp 7, đang đi quay phim tận Đà Lạt. Cùng đi là bà mẹ trẻ, cũng bỏ hết việc nhà để làm “quản lý” cho con. Chị cười rất vui vẻ qua điện thoại, rằng mình cũng đam mê nghệ thuật theo con. 

Thật ra con đường của các diễn viên nhí này cũng không thể nói trước được. Có em sẽ tiếp tục phát huy năng khiếu, trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Nhưng cũng có em khi lớn lên tự nhiên “hết vốn”, rồi chuyển sang một nghề khác. Nhiều người từng tiếc nuối những mầm non hy vọng. Nhưng không sao. Dù gắn bó một ngày, nghệ thuật cũng dạy cho các em nhiều điều bổ ích. Những nhân vật thiện ác, chánh tà là bài học cho các em biết phân biệt, biết chọn lựa cho chính bản thân mình. Và những rung cảm, những trăn trở, suy tư từ vai diễn, giúp các em thẩm thấu cuộc sống sâu sắc hơn.

Nghệ thuật là cuộc rong chơi bổ ích, đừng đặt lên vai các em gánh nặng sẽ thành nghệ sĩ này nọ. Bồi dưỡng năng khiếu là một chuyện, nhưng không cần gây áp lực. Tôi thích nhìn các em hồn nhiên hơn là trở thành “thợ diễn”.  

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.