Chàng trai Mỹ mê nhạc cổ truyền VN

10/08/2009 23:25 GMT+7

Một chàng trai người Mỹ đã lặn lội từ Michigan đến tận vùng châu thổ Cửu Long để học đàn và làm luận văn tiến sĩ về nhạc tài tử Nam Bộ nói riêng và âm nhạc truyền thống VN nói chung.

Nặng nợ với nhạc cổ truyền vn

Nhìn vẻ ngoài hiền lành, bình dị và khiêm tốn của Alexander M. Cannon (gọi thân mật là Alex), ít ai ngờ chàng trai 25 tuổi này lại là giảng viên âm nhạc của trường Đại học Michigan (Mỹ). Lại càng không ngờ chàng trai Mỹ này đã không ngại bỏ công sức, thời gian đến trực tiếp tìm hiểu, học hỏi những giá trị đặc thù của âm nhạc cổ truyền VN, vừa thỏa mãn sở thích riêng, vừa để hoàn thành luận án tiến sĩ.

Tiếp tôi trong căn nhà mà cô giáo Lê Thị Huyền, giảng viên tiếng Anh khoa Sư phạm Đại học Cần Thơ cho anh “tạm trú”  trong thời gian lưu lại Cần Thơ để tìm hiểu về đờn ca tài tử Nam Bộ, Alex nói tiếng Việt khá sõi và rất cố gắng, kiên nhẫn dùng tiếng Việt để diễn đạt những gì muốn nói về nhạc cổ truyền VN. Hỏi Alex lý do nào khiến anh đến VN nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, anh cho biết: “Khi còn học đại học, tôi cũng có học qua về âm nhạc một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Tôi rất thích nhạc cổ truyền VN, nhất là đờn ca tài tử, nhạc cung đình Huế nên cố gắng đọc sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như sưu tầm các CD liên quan để tìm hiểu. Tiếc là sách ít, không có bài viết giải thích cặn kẽ về thể loại nhạc này nên hiểu biết không nhiều.”

Alex đã theo học dòng nhạc gamelan của Indonesia, một dòng nhạc mà theo anh, có nhiều nét tương tự như nhạc cung đình Huế. Nhưng mối quan tâm về nhạc cổ truyền VN trong anh vẫn không dứt, nhất là sau khi anh có những cuộc tiếp xúc với GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, một bậc thầy về âm nhạc cổ truyền VN đang giảng dạy tại Đại học Kent State, bang Ohio. Giáo sư đã giảng giải cho anh hiểu rõ hơn về nhạc cổ truyền VN, cung cấp cho anh những tài liệu liên quan bằng tiếng Anh do ông viết và khuyến khích anh đi vào nghiên cứu.

Thọ giáo những bậc thầy

Bằng nỗ lực của mình, Alex đã giành được một học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ để đến VN từ tháng 6.2008. Tại VN, ngoài việc gặp lại GS Phong đang về giảng dạy tại đây, anh đã tìm đến thụ giáo GS-TS Trần Văn Khê. Đặc biệt, anh được trực tiếp thụ giáo nhạc sư Vĩnh Bảo (sống ở TP.HCM), người vừa là vị thầy giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, cũng vừa là nghệ nhân đóng các loại đàn dòng nhạc cổ truyền. Alex cho biết, thầy Vĩnh Bảo dù đã 92 tuổi nhưng trí óc còn minh mẫn, thầy lại biết nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Khmer nên anh rất thuận lợi trong việc tiếp thu những gì thầy truyền đạt. Thầy dạy cho anh lịch sử nhạc tài tử Nam Bộ, ảnh hưởng của nhạc lễ, hát bội, ca Huế, dân nhạc miền Trung đến nhạc tài tử Nam Bộ... Đồng thời thầy cũng dạy anh chơi các bài bản vọng cổ trên đàn tranh, vốn là cây đàn anh rất mê khi còn ở Mỹ.

Không chỉ theo thụ giáo các cây đại thụ của âm nhạc cổ truyền VN, Alex còn lặn lội về tận ĐBSCL để được tắm mình trong một vùng đất còn in đậm dấu ấn của nhạc tài tử Nam Bộ. Tại đây, thầy Lê Đình Bích - giảng viên môn Văn hóa học của Đại học Cần Thơ đã  giúp anh khám phá những ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa, nhạc Khmer đối với nhạc truyền thống Việt. Điều thú vị là trong những ngày đồng hành cùng thầy Bích, Alex đã tiếp cận với cây đàn sến - nhạc cụ thường được sử dụng trong dàn nhạc sân khấu tuồng, cải lương - như một cơ duyên.

Theo giới thiệu của thầy Lê Đình Bích, Alex quyết định theo học đàn sến với ông Trần Minh Đức, một nghệ nhân thành thạo loại nhạc cụ này ở đất Tây Đô. Thầy Bích nhận xét: “Alex nhạy cảm và kiên trì đến mức đáng phục. Thế bấm mà thầy Đức gọi là thế cua bò vừa chuẩn âm một cách tinh tế vừa có nét đẹp hồn nhiên và không phải dễ học, thế mà chỉ 3-4 ngày tập dượt là Alex có thể chơi khá thuần thục”.

Alex cho biết, sau khi rời Cần Thơ, anh sẽ tiếp tục đến Huế để học hỏi về nhạc cung đình ở đây. Trong tháng 9 năm nay, anh sẽ về Mỹ để viết luận án và sẽ trở lại VN để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa.

Nguyễn Khoa Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.