Xung quanh việc điều chỉnh dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: TP.HCM trả lời chưa thuyết phục!

11/08/2009 23:13 GMT+7

Sau khi Thanh Niên có các bài phản ánh về việc điều chỉnh hướng tuyến trái quy hoạch tại dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN) (số ra ngày 10 và 11.8), sáng qua UBND TP.HCM đã họp báo để cung cấp thông tin xung quanh dự án. Nghe đọc bài

Thiếu cơ sở pháp lý

Chủ trì buổi họp báo, ông Trần Quang Phượng - ủy viên UBND TP kiêm Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: Về vấn đề việc hướng tuyến dự án đường TSN - BL - VĐN hiện nay đã bị bẻ cong so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 mà Báo Thanh Niên phản ánh, quá trình thực hiện dự án là phù hợp với các quy định hiện hành về xây dựng cơ bản, tuân thủ các bước từ quy hoạch đến thực hiện dự án. Cụ thể, ông Phượng cho biết, dựa trên quy hoạch của Thủ tướng, năm 1999, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giao thông của khu dân cư P.2 và P.4 (Q.Tân Bình), trong đó có quy hoạch tuyến vành đai số 1 (tức đường TSN - BL - VĐN hiện nay) với lộ giới 60m và hướng tuyến có điều chỉnh so với dự án tiền khả thi đã được Thủ tướng phê duyệt.

Các cơ sở khác cho việc điều chỉnh hướng tuyến, theo ông Phượng, là Quyết định 101 năm 2007 của Thủ tướng (về phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020), trong đó có điều chỉnh hướng tuyến như sau: tuyến vành đai số 1 qua nút giao thông Nguyễn Thái Sơn theo đường Hoàng Minh Giám, qua đường Hoàng Văn Thụ để ra Lăng Cha Cả (không đi vào sân bay Tân Sơn Nhất). Ngoài ra, ngày 31.12.2007, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 278 về kết luận của Thủ tướng cho phép cắt giảm đoạn vành đai số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú đến đại lộ Nguyễn Văn Linh; hợp nhất vành đai số 1 và vành đai số 2 thành một tuyến; đoạn còn lại của vành đai số 1 chính là tuyến TSN - BL - VĐN, không còn chức năng đường vành đai nữa mà trở thành tuyến trục đô thị của TP. Theo ông Phượng, điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh dự án (đường đô thị) thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM và do các bộ thẩm định.

Những cơ sở pháp lý ông Phượng đưa ra, theo nhận xét của Thanh Niên, vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Tại sao đến năm 2007, đường TSN - BL - VĐN mới trở thành đường đô thị (tức lúc này UBND TP.HCM mới có thẩm quyền điều chỉnh dự án), mà từ năm 1999, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã tự ý điều chỉnh hướng tuyến so với dự án tiền khả thi đã được Thủ tướng phê duyệt? Tương tự, trong Quyết định 101 của Thủ tướng cũng hoàn toàn không có phần điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai số 1 như ông Phượng nêu mà chỉ có nội dung: xây dựng đường vành đai 1 thành đường đô thị cấp 1. Một vấn đề khác, như một người dân đã đặt câu hỏi trên Báo Thanh Niên: "Từ năm 2002, người dân đã nghe về việc điều chỉnh quy hoạch và đã gửi kiến nghị lên UBND TP. Tại sao ngay thời điểm đó, TP không công khai việc điều chỉnh mà vẫn khẳng định sẽ theo quy hoạch cũ. Nhiều người dân nghe trả lời vậy nên đã yên tâm xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Giờ thì chính những người tuân thủ pháp luật như chúng tôi lại phải chịu thiệt thòi, như vậy có hợp lý không?".

Sẽ giảm chi phí giải tỏa?

Về lý do điều chỉnh quy hoạch, ông Phượng cho rằng hướng tuyến sau khi điều chỉnh sẽ có lợi hơn về mặt quản lý đô thị và bố trí dân cư. Hơn nữa, việc điều chỉnh đáp ứng tiêu chí khối lượng giải tỏa trắng ít nhất. Cụ thể, nếu theo quy hoạch của Thủ tướng (đường rộng 60m), trên địa bàn Q.Tân Bình sẽ có 392 hộ bị giải tỏa (trong đó 259 hộ giải tỏa trắng và 133 hộ giải tỏa một phần). Còn theo phương án điều chỉnh (đường rộng 20m), số hộ bị giải tỏa giảm xuống còn 284 hộ (gồm 39 hộ giải tỏa trắng và 245 hộ giải tỏa một phần). Về chi phí, nếu giữ nguyên quy hoạch thì toàn dự án cần đến 11.000 tỉ đồng cho công tác giải tỏa, còn theo phương án điều chỉnh thì chỉ cần hơn 8.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia giao thông cho rằng, việc so sánh khối lượng và chi phí giải tỏa của một con đường rộng 60m với một con đường rộng 20m là hết sức khập khiễng. Nếu so sánh phải trên cùng một tiêu chí, chẳng hạn, để xây một con đường rộng 20m thì hướng tuyến nào có lợi hơn, giải tỏa ít hơn? Hơn nữa, quy hoạch là phải hướng đến một tầm nhìn xa, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ TP, nên mặt cắt tuyến đường 60m theo quy hoạch của Thủ tướng là hoàn toàn hợp lý. Nay TP.HCM điều chỉnh xuống còn 20m, liệu có thể khẳng định bề rộng này đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai, hay sau một thời gian, khi xảy ra quá tải, chúng ta lại phải giải tỏa tiếp để mở rộng lần nữa? "Ở các nước trên thế giới, việc xây đường, mở rộng đường đều đi trước thậm chí cả trăm năm, trong đó ưu tiên giải tỏa luôn một lần để tránh xáo trộn cuộc sống người dân nhiều lần, hơn nữa càng về sau, chi phí giải tỏa sẽ càng cao do quá trình đô thị hóa" - chuyên gia này nói. 

Bộ Xây dựng chưa từng chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến

Trong buổi họp báo, ông Trần Quang Phượng nhiều lần nhắc đi nhắc lại, rằng việc điều chỉnh hướng tuyến đã được Bộ Xây dựng thông qua trong văn bản số 2774 (ngày 20.12.2006) về thẩm định thiết kế cơ sở dự án. Ông Phượng cũng khẳng định, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên đã sai khi phát biểu rằng khiếu kiện của người dân về việc điều chỉnh dự án là có cơ sở. Tuy nhiên, trong chiều 11.8, các văn bản của Bộ Xây dựng mà Thanh Niên thu thập được cho thấy, Bộ này chưa từng đồng ý với đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của TP.HCM.

Cụ thể, trong văn bản số 250 (ngày 25.6.2008) trả lời Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM về đề xuất điều chỉnh thiết kế, Bộ Xây dựng chỉ đồng ý với các điều chỉnh về hướng tuyến tại Q.Thủ Đức, số lượng cầu bộ hành trên tuyến, số lượng trạm dừng xe buýt trên tuyến, quy mô đào đắp và xử lý nền đường... do không thay đổi giải pháp thiết kế và không trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định. Còn những nội dung khác, theo Bộ Xây dựng, vẫn thực hiện theo văn bản 2774. Trong khi đó, văn bản 2774 lại không thể hiện hướng tuyến của dự án và do đó cũng không nêu lên quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề điều chỉnh hướng tuyến của TP.HCM.

Mới đây nhất, tại văn bản số 254 (ngày 25.2.2009) góp ý cho UBND TP.HCM về các thay đổi giữa thiết kế kỹ thuật so với thiết kế cơ sở đường TSN - BL - VĐN, Bộ Xây dựng nêu rõ: theo Nghị định 78 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, thì doanh nghiệp dự án phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp thiết kế kỹ thuật có thay đổi so với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.