* Con trai tôi 9 tuổi mà vẫn hay đái dầm, bác sĩ BV Nhi Đồng siêu âm và xét nghiệm nói cháu bình thường, không có bệnh gì, cho uống thuốc Driptan 5mg/ngày trong bảy ngày, cháu có giảm đái dầm sau đó bị lại. Sau đó tôi đọc báo thấy có hướng dẫn điều trị đái dầm bằng Amitriptyline 25mg/ngày, uống trong 60 ngày sẽ hết bệnh, tôi mua thuốc cho cháu uống đúng như vậy. Nhưng chỉ hết lúc uống thuốc, sau đó cháu vẫn bị lại.
Thậm chí tôi còn cho cháu đi châm cứu, cho nuốt thạch sùng (thằn lằn) nhưng không hết. Xin hỏi hiện nay có loại thuốc hay phương pháp nào trị dứt điểm đái dầm không? (Trương Hữu Phúc -TP.HCM)
- Đái dầm, nói vui là “nỗi buồn của chăn chiếu”, là tình trạng đứa bé đã tới độ tuổi kiểm soát được sự đi tiểu (trên 5-6 tuổi) nhưng vẫn tiểu không kiểm soát trong giấc ngủ, thường là vào buổi tối. Trên 15% trẻ trên 6 tuổi bị đái dầm, con trai bị nhiều hơn con gái. Nếu không điều trị thì đa số (98%) cũng tự hết khi đến tuổi dậy thì.
Nguyên nhân
Không nên tự ý mua thuốc cho trẻ |
Có nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng đái dầm: sự chậm trưởng thành của cơ chế kiểm soát đi tiểu, yếu tố di truyền, tâm lý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hormon và một số bất thường thực thể của đường tiết niệu.
Mặc dù đa số trường hợp đái dầm là triệu chứng đơn độc không đi kèm bệnh lý khác, tuy nhiên khi trẻ bị đái dầm cần phải tìm xem trẻ có những bệnh lý thực thể có thể gây đái dầm như đái tháo nhạt, đái tháo đường, nhiễm trùng tiểu, hẹp bao quy đầu, niệu quản lạc chỗ, bệnh lý bàng quang thần kinh... hay không. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm đối với trẻ đái dầm là cho đi khám tiết niệu hoặc khám nhi, mục đích là tìm ra để điều trị hoặc loại trừ các bệnh đã nêu.
Anh đã dẫn cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng và bác sĩ trả lời là không sao, tức cháu không có những bệnh lý thực thể này. Như vậy, điều trị đái dầm lúc này sẽ gồm hai phần: điều trị không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc.
Không la mắng trẻ
Có nhiều phương pháp, mục đích là khuyến khích động viên trẻ hợp tác, tập giữ nước tiểu, đánh thức trẻ dậy đi tiểu trước giờ thường xảy ra đái dầm. Những điều cần lưu ý là:
+ Không la mắng trẻ, nên cho trẻ tự thay quần áo và chăn mền. Khuyến khích, động viên khi trẻ không đái dầm. Tránh gây áp lực mặc cảm cho trẻ.
+ Không cho uống nhiều nước 2-3 giờ trước giờ đi ngủ. Cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ.
+ Nên để bô đi tiểu gần giường của trẻ nếu nhà vệ sinh xa hoặc tối.
+ Nếu trẻ thường xuyên đái dầm, có thể đánh thức trẻ dậy đi tiểu trước giờ thường bị đái dầm.
Đa số trường hợp chỉ cần áp dụng phương pháp không dùng thuốc trên và chờ đợi cho trẻ lớn dần sẽ hết hẳn đái dầm.
Hạn chế điều trị bằng thuốc
Chỉ nên điều trị bằng thuốc khi các phương pháp không dùng thuốc tỏ ra không hiệu quả và trẻ đái dầm thường xuyên gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt. Khi điều trị bằng thuốc vẫn phải kết hợp các phương pháp không dùng thuốc. Có ba nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị đái dầm:
+ Thuốc chống co thắt bàng quang loại kháng tiết cholin: thuốc thường được dùng là Oxybutynin (thuốc Driptan mà anh kể là thuốc này).
+ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: thường được dùng là Imipramine, Amitriptyline.
+ Dẫn chất của hormon chống bài niệu: thuốc Desmopressin dạng xịt mũi.
Hiệu quả điều trị của các thuốc nói chung trong khoảng 40-80%, khoảng 20-60% bị tái phát.
Việc anh tự mua thuốc Amitriptyline cho cháu uống liên tục trong 60 ngày như vậy là rất mạo hiểm, may mắn là cháu không sao.
Trong dân gian có “truyền thuyết” là ăn nhện nướng, sâu nướng hoặc nuốt thạch sùng có thể chữa được đái dầm, bệnh hen suyễn. Thật ra đây chỉ là một cách “chữa mẹo” tâm lý mà thôi.Đông y có một số loại thuốc và phương pháp châm cứu chữa đái dầm nhưng hiệu quả thật sự cũng không cao.
Hiện tại nếu cháu chỉ thỉnh thoảng đái dầm thì anh nên áp dụng những phương pháp không dùng thuốc và chờ đợi cháu lớn sẽ hết.
Nếu cháu thường xuyên đái dầm (hơn 3- 4 đêm trong một tuần) hoặc kèm những triệu chứng khác như tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt, tiểu khó...thì anh nên đưa cháu khám lại tại các bệnh viện có phòng khám tiết niệu hoặc Bệnh viện Nhi Đồng để được bác sĩ hướng dẫn điều trị tiếp và theo dõi thích hợp.
Theo Bác sĩ CKI Phạm Nam Việt
(BV Đại học Y dược TP.HCM/Tuổi trẻ)
Bình luận (0)