Miền Tây đón lũ: Trắng đêm xóm lưới, làng xuồng

14/08/2009 15:07 GMT+7

Những ngày qua, mực nước lũ miền Tây đang ngày một dâng cao do ảnh hưởng của bão số 5 và 6. Theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay, lũ ở đây sẽ về sớm và lớn hơn những năm rồi. Mùa lũ cũng là mùa làm ăn của người dân vùng sông nước.

Những ngày này, không khí làm việc ở các làng nghề  sản xuất những dụng cụ phục vụ mùa lũ đang diễn ra hết sức sôi động. Họ thay phiên nhau làm việc cả ngày lẫn đêm để giao hàng đúng hẹn.

Lọp cá linh... xuất ngoại

Làng nghề làm lọp cá linh ở Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang tồn tại hàng chục năm nay nhưng rất ít người biết đến. Lọp cá linh là phương tiện để bắt cá linh non – một loại đặc sản của các huyện đầu nguồn của lũ, khu vực giáp với Campuchia. Khi nước lũ về, cá linh non cũng bắt đầu xuất hiện ở đầu nguồn rồi xuôi theo con nước tỏa về các dòng kênh,  rạch, tràn lên những cánh đồng ngập lũ trắng xóa. Theo kinh nghiệm của người dân đầu nguồn lũ, sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), con nước bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. Từ thượng nguồn bên kia biên giới Campuchia, khi những dòng nước đỏ mang nặng phù sa đầu tiên cuồn cuộn đổ về cũng là lúc mùa nước nổi bắt đầu. Theo đó, người dân chuẩn bị đồ nghề mưu sinh trong mùa lũ. Người dân ở làng lọp cá linh chuẩn bị nguyên liệu sản xuất, sẵn sàng khởi động. Ông Nguyễn Văn Tòng, từng có hơn 20 năm làm lọp cá linh ở Cồn Cóc, đưa chúng tôi đi tham quan làng nghề. Ông cho biết trước đây, mỗi nhà chỉ đan vài cái lọp để đặt cá linh non về ăn, nếu dư thì đem ra chợ bán. Sau đó, một số người sinh sống ở Campuchia thấy dụng cụ đánh bắt này hiệu quả nên sang đặt hàng làm với số lượng khá lớn. Dần dần, làng lọp hình thành và sôi động như ngày nay. Lọp cá linh được đan bằng tre với bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề. Từ tre, phải trải qua 6 công đoạn mới có được một chiếc lọp hoàn thiện. Tuy làm bằng thủ công nhưng sự phân công của từng công đoạn cũng rất chặt chẽ như chẻ tre, uốn vòng sườn, vót hom, đan vỉ, đóng nắp rồi mới giao cho một người thợ kết tất cả các bộ phận lại để cho ra thành phẩm. Trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người già đều có thể tham gia và được trả công lao động tương xứng với độ khó của mỗi công đoạn. Hiện tại, ở Cồn Cóc có 68 hộ làm lọp cá linh với khoảng 360 lao động, thu nhập trung bình từ 40.000 đến 60.000 đồng/ngày/người. Mùa làm lọp bắt đầu từ giữa tháng 5 và chấm dứt vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm. Ông Tòng cho hay thời điểm này, khách đặt hàng với  số lượng lớn, lại đòi phải giao hàng gấp. “Riêng chỗ tôi đã nhận đặt hơn 3.000 cái, phải giao hàng trong vòng nửa tháng. Trong khi đó, nhiều khách quen bên Campuchia gọi điện qua đặt hàng thêm. Số lượng nhiều mà mình làm bằng thủ công, sợ không giao hàng kịp nên không dám nghỉ tay”- ông Tòng nói.

Thơm Rơm rộn rã, Ngã Bảy tấp nập

Thành lập tổ sản xuất

Để giải quyết khó khăn và phát triển làng nghề, từ năm 2004, những hộ sản xuất lọp cá linh ở Cồn Cóc liên kết lại, thành lập tổ sản xuất và bầu ông Tòng làm tổ trưởng. Thành lập tổ sản xuất mới vay được vốn, mở rộng quy mô. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết năm nay, các hộ làm lọp ở đây đã vay được 368 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ được vay từ 7 – 10 triệu đồng, tùy theo quy mô và khả năng.

Xóm lưới Thơm Rơm nằm dọc theo Quốc lộ 91, gần dốc cầu Thơm Rơm, thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt – TP Cần Thơ đã hình thành trên 20 năm. Ban đầu chỉ có 6 hộ, đến nay, đã có hơn 35 hộ chuyên làm nghề đan lưới. Vào vụ, xóm lưới thu hút khoảng 800 lao động. Những ngày này, xóm lưới Thơm Rơm đang vào vụ sản xuất. Những tay lưới, miệng chài mới toanh được các hộ bày bán san sát nhau. Bên trong tiệm Quý, một nhóm gần 30 công nhân đang viền phao, dập chì, gấp rút để hoàn thành sản phẩm. Em Nguyễn Thu Hà cho biết: “Làm lưới, thu nhập theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày kiếm được từ 35.000 đến 40.000 đồng. Người nào cứng nghề thì được từ 60.000 - 70.000 đồng/ngày”. Ông Phạm Phước Long, chủ tiệm lưới Năm Tấn, cho biết trung bình, mỗi ngày tiệm này bán ra khoảng 200 tay lưới. Hiện nay, số lượng bán ra gấp từ 10 – 20 lần so với trước. Mỗi năm, xóm lưới này cung cấp cho thị trường miền Tây cả chục tấn lưới. 

Những ngày đầu tháng 8, khi nước lũ tràn về, làng nghề Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng tất bật với việc đóng ghe, xuồng phục vụ nhu cầu vận chuyển, đánh bắt của người dân vùng lũ. Từ lâu đời, làng ghe Ngã Bảy nổi tiếng với chiếc xuồng "năm quăng" (sử dụng một năm rồi bỏ), xuồng ba lá, ghe năm lá. Năm nay, hàng ngàn chiếc xuồng, ghe đóng tại Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp và phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy được gom về bán tại các đại lý, cửa hàng ven các sông ở Ngã Bảy. Từ đó, các phương tiện này được phân phối cho cả khu vực. Bây giờ, làng ghe Ngã Bảy chẳng còn sầm uất như thời hoàng kim vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào mùa lũ, nơi này cung cấp hàng ngàn chiếc ghe, xuồng cho cả ĐBSCL. Ông Quách Thanh Tồn, 71 tuổi, nhà ở Doi Chành, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề đóng ghe, xuồng. Bây giờ tuổi cao, sức yếu nên ông Tồn không còn trực tiếp đóng ghe, xuồng như trước mà truyền nghề cho thế hệ con cháu của mình mở trại. Tuy vậy, ông vẫn gắn bó với nghề bằng cách gom xuồng ở các trại về bán lại. Ông Tồn nhận định năm nay, dự báo mùa lũ về lớn nên nhu cầu mua sắm xuồng, ghe chắc cũng tăng theo. Vì vậy, thợ đóng ghe, xuồng phải thức trắng đêm là chuyện thường tình.

Kỳ tới: Săn sản vật mùa lũ

Theo QUỐC DŨNG - LƯƠNG PHÚC - THANH VŨ / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.