Nghị định gồm 3 chương, 41 điều quy định cụ thể về quy hoạch sử dụng đất; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất; phát triển quỹ đất, cấp GCN quyền sử dụng đất (QSDĐ), sử dụng đất công trình ngầm và gia hạn sử dụng đất.
Xác định lại giá đất sát với giá thị trường
Nghị định quy định, tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... mà giá đất do UBND cấp tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp.
Đối với trường hợp thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê thì số tiền thuê đất phải nộp được tính bằng số tiền SDĐ phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền SDĐ có cùng mục đích và thời hạn SDĐ.
Người bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ chuyển nghề
Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị QSDĐ tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Ngoài việc bồi thường trên, Nghị định cũng quy định nhiều hình thức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư (trường hợp thu hồi đất ở); hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm (trường hợp thu hồi đất nông nghiệp) và các hỗ trợ khác. Đặc biệt, Nhà nước còn hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất vườn, ao không được công nhận là đất ở.
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 1 trong các hình thức: hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; hỗ trợ bằng 1 suất đất ở hoặc 1 căn hộ chung cư hoặc 1 suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Trường hợp người được hỗ trợ có nhu cầu được đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho 1 khóa học đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động.
Đặc biệt phương án đào tạo, chuyển đổi nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất thuộc đối tượng chuyển đổi nghề.
Về hỗ trợ di chuyển, theo quy định hiện hành thì mức hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển nhà ở trong phạm vi tỉnh là 3 triệu đồng, di chuyển sang tỉnh khác là 5 triệu đồng. Mức hỗ trợ như vậy chưa phù hợp với thực tế, vì phạm vi di chuyển trong đơn vị hành chính của một tỉnh có thể xa hơn so với di chuyển sang tỉnh khác. Vì vậy, Nghị định không quy định mức hỗ trợ cụ thể mà giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể.
Về hỗ trợ tái định cư, Nghị định quy định nhà ở, đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
Chủ đầu tư ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất, nếu thực hiện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thì được ngân sách nhà nước hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền SDĐ, tiền thuê đất phải nộp. Trường hợp được giao đất không thu tiền SDĐ hoặc được miễn tiền SDĐ, tiền thuê đất thì số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được tính vào vốn đầu tư của dự án.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)