Nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington đã tung hàng loạt quả cầu có bề rộng chỉ bằng 6 phần triệu inch, tức nhỏ hơn sợi tóc của chúng ta hàng ngàn lần, lên các khối u ở vú và da chuột. Các quả cầu nanobee này chứa chất độc melittin, vốn được tìm thấy trong nọc ong, sẽ xâm nhập vào các tế bào ung thư.
Chất melittin phá hủy tế bào ung thư bằng cách khoan lỗ xuyên qua chúng. Sau 4-5 lần bơm các nanobee chứa chất độc này trong vài ngày, tăng trưởng của các khối u ung thư vú ở chuột chậm đi 25%, trong khi các khối u ung thư da nhỏ hơn đến 88% so với những khối u không được chữa trị. Giáo sư Samuel Wickline diễn giải: “Nanobee bay vào, đậu trên bề mặt tế bào và gửi “lô hàng” melittin. Chất độc từ nanobee xâm nhập vào các tế bào và chọc thủng cấu trúc bên trong của chúng”.
Nanobee được làm bằng chất perfluorocarbon, một hợp chất trơ, vô hại được sử dụng trong máu nhân tạo. Khi melittin được tách khỏi nanobee, “con ong” này sẽ phân rã và bay hơi qua đường phổi. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Wickline đang xem xét sử dụng nanobee cho các ứng dụng y khoa khác, bao gồm việc chẩn đoán và chữa trị bệnh hẹp động mạch, một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim. Các nanobee đủ lớn để chở hàng ngàn hợp chất có hoạt tính cao nhưng cũng đủ nhỏ để đi qua đường máu và bám vào màng tế bào.
Melittin được bơm thẳng vào máu thường phá hủy hồng cầu. Nhưng khi được “cài” trên nanobee, các tế bào máu và những mô khác được bảo vệ khỏi tác động của chất độc. Không có con chuột nào phải chịu tổn thương ngoài dự kiến từ việc điều trị bằng nanobee. Số lượng tế bào máu vẫn được duy trì ở mức bình thường và không có dấu hiệu tổn thương nội tạng. Một khi được bơm vào, nanobee tập trung tại các khối u ung thư do nơi này thường có những mạch máu bị rò rỉ và có xu hướng giữ lại vật chất. Các nhà khoa học đã bổ sung vào nanobee một tác nhân để chúng bị thu hút đến những mạch máu đang nở rộng quanh các khối u ung thư. Kết quả là sự lây lan các tế bào da tiền ung thư giảm đi 80%.
Theo các nhà khoa học Mỹ, nanobee không chỉ giúp trì hoãn và thu nhỏ kích cỡ các khối u ung thư mà còn ngăn chặn quá trình phát triển bệnh này. Melittin dễ sản xuất và giá thành rẻ. Tuy nhiên, cần phải tiến hành thêm các thử nghiệm trên động vật trước khi áp dụng cho người. (Theo Science Daily, Telegraph)
Khang Huy
Bình luận (0)