Đề nghị hoãn quyết định về kinh doanh nông sản

14/08/2009 23:05 GMT+7

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị xem xét lại Quyết định (QĐ) 64 của UBND TP.HCM về việc quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

Thế nào là cửa hàng văn minh tiện lợi?

Sở KHĐT cho rằng, QĐ 64 sẽ gây khó khăn không chỉ cho đơn vị kinh doanh những mặt hàng nói trên mà cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép.

Theo QĐ 64 (có hiệu lực từ ngày 10.8.2009), chỉ những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi mới được phép kinh doanh nông sản, thực phẩm thuộc nhóm 46321 (bao gồm thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế và nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm), 46322 (thủy sản tươi, đông lạnh, khô, mắm như cá, động vật giáp xác như tôm, cua...) và 46323 (các loại rau, củ, quả tươi và đông lạnh). Theo Sở KH-ĐT, vướng mắc của QĐ 64 là làm thế nào xác định cửa hàng văn minh tiện lợi trong khi trên địa bàn TP có rất nhiều cửa hàng, địa điểm kinh doanh nông sản, thực phẩm. Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Công thương làm rõ khái niệm nói trên, đồng thời đưa ra danh sách các cửa hàng văn minh tiện lợi để cơ quan quản lý có thể cấp phép.

Ngoài ra, Sở KH-ĐT cũng cho rằng TP cần quy định cụ thể thời hạn xây dựng quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn quản lý của các quận huyện cũng như các kiến nghị xử phạt các trường hợp kinh doanh không đúng quy định. Trong khi chờ ý kiến, Sở KH-ĐT kiến nghị TP cho phép cơ quan này tiếp tục cấp phép kinh doanh bán lẻ nông sản, thực phẩm như quy định hiện hành.

Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở Công thương cũng cho rằng QĐ 64 còn nhiều điều cần làm rõ. “Tuần tới, TP sẽ có cuộc họp để đưa ra các hướng dẫn chi tiết về quyết định này”, bà Dung nói.

Thiếu các giải pháp đồng bộ

Về mặt chủ trương, việc sắp xếp, quy hoạch lại kinh doanh nông sản thực phẩm là hợp lý nhằm bảo đảm cho đô thị văn minh sạch đẹp và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được đầu tư hệ thống bảo quản với chi phí lớn, nộp thuế đầy đủ... với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không nộp thuế, nhờ lấn chiếm vỉa hè, lề đường để buôn bán mà có lợi thế tiếp cận người tiêu dùng... Tuy nhiên, ngoài tiêu chuẩn về cửa hàng văn minh chưa rõ ràng, dư luận còn băn khoăn việc TP chưa đề ra các giải pháp đồng bộ và hợp lý nhằm bảo đảm quy định này khả thi.

Ở một khía cạnh khác, không thể không tính đến hệ lụy của quy định này khi hàng chục ngàn người đang sống nhờ buôn bán nông sản, thực phẩm nhỏ lẻ bị mất việc, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng “cấm chỗ này, bùng sang chỗ khác”. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm của TP.HCM vẫn còn rất thiếu, nhiều khu vực (nhất là ở ngoại thành) chưa có mặt các loại hình thương mại hiện đại này, lấy gì sẽ bù đắp lượng hàng hóa rất lớn được cung cấp từ những người buôn bán nhỏ này khi họ bị ngưng kinh doanh?

Ông Trương Trung Việt - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trong buổi họp báo ngày 10.8, cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những đối tượng buộc phải ngưng kinh doanh vì không đạt yêu cầu đa số là người nhập cư, lớn tuổi, không nghề nghiệp và nghèo. TP cũng rất chia sẻ đối với những đối tượng này. Thế nhưng vì mục tiêu văn minh đô thị, và nhiều vấn đề khác trong đó có an toàn giao thông, việc xóa sổ những điểm kinh doanh nông sản, thực phẩm không phù hợp quy hoạch là việc làm bắt buộc. Những người buôn bán lấn chiếm, mất vệ sinh có thể tìm một chỗ kinh doanh hợp pháp ở các chợ, hoặc liên hệ các trường nghề ở quận, huyện. Nhưng đó chỉ là gợi ý, bởi các đối tượng này đều đã lớn tuổi, rất khó tìm được nghề mưu sinh khác”.

Minh Quang - Quang Thuần - Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.