“Đề nghị Bộ trưởng đi thăm con đường...”
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhận được 18 ý kiến chất vấn của các ĐBQH, nội dung tập trung vào hai vấn đề chính là các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý của Bộ về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Dù đã ban hành nhiều văn bản, áp dụng các biện pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến nhiều. “Hiện nay ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đang diễn ra nghiêm trọng”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tôi chưa nắm chính xác về mức tăng tổng đầu tư của dự án |
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng |
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Chu Sơn Hà chất vấn về sự chậm trễ tiến độ của dự án đường 32, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Bộ trưởng Dũng chia sẻ: “Đây cũng là nhức nhối, trăn trở của chúng tôi”. Dự án này (đoạn từ Nhổn về Cầu Giấy - Hà Nội) được chia làm hai dự án nhỏ, Bộ GTVT làm chủ đầu tư phần xây dựng, TP Hà Nội làm chủ đầu tư phần giải phóng mặt bằng. “Nguyên nhân chính của chậm tiến độ là không có mặt bằng để thi công”, ông Dũng giải thích và cam kết: “Nếu có mặt bằng thì hứa là sau 6 tháng sẽ giao toàn bộ dự án”. Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đứng dậy nói: “Sau buổi họp này, đề nghị Bộ trưởng đi thăm con đường để chia sẻ với nỗi khổ của người dân”. Bộ trưởng Dũng cho biết ông vẫn thường xuyên đi kiểm tra hiện trường tuyến đường này cũng như các dự án giao thông khác...
Suốt thời gian trả lời sau đó, người đứng đầu ngành GTVT chưa đưa ra được biện pháp gì mang tính đột phá để khắc phục tình trạng chậm tiến độ của các công trình giao thông.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết bức xúc trước tình trạng nhiều dự án bị điều chỉnh quy hoạch khi thực hiện. Theo Bộ trưởng Dũng, trong quá trình thực hiện thì việc điều chỉnh dự án là chuyện bình thường. Đại biểu Thuyết đặt câu hỏi: “Tại dự án đường Vành đai III (Hà Nội), khi điều chỉnh quy hoạch thì tổng mức đầu tư của dự án tăng lên bao nhiêu?”. Bộ trưởng: “Tôi chưa nắm chính xác về mức tăng tổng đầu tư của dự án”. Nhiều ĐBQH tỏ ra ngạc nhiên với câu trả lời này, vì đường Vành đai III của Hà Nội là một dự án rất lớn, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch đã gây khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua.
“Ngăn chặn nhiều thì nghẽn”
Tại dự án đường Vành đai III (Hà Nội), khi điều chỉnh quy hoạch thì tổng mức đầu tư của dự án tăng lên bao nhiêu? |
|
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết |
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH. Câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Lê Doãn Hợp liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong quản lý game online, thông tin độc hại trên internet.
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, để quản lý tốt blog và game online, Bộ đã đưa ra 6 vấn đề cần tập trung, bao gồm việc nâng cao nhận thức của người dân, hoàn thiện cơ chế chính sách, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, phối hợp để giáo dục ngăn chặn, quản lý tốt các đại lý và trình Chính phủ đề án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất game. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng các biện pháp này chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng lại ở việc “phối hợp tuyên truyền” và chất vấn: “Bộ trưởng có biện pháp kỹ thuật gì để hạn chế ảnh hưởng xấu của game online?”. Bộ trưởng Hợp trả lời: “Ngăn chặn nhiều thì nó lại nghẽn, quan trọng là nâng cao nhận thức để khai thác tốt. Trên thế giới cũng chưa có nước nào tìm được cách khai thác tốt hơn cả”.
Sau đó, Bộ trưởng Hợp dành thời gian khá dài để phân tích tính hai mặt của game online, internet và viện dẫn một loạt các văn bản, thông tư liên quan tới quản lý lĩnh vực này... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận phát biểu: “Các đại biểu hỏi không phải để nghe Bộ trưởng giải thích về tính hai mặt của game online mà muốn xem trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ như thế nào trước một thực trạng như vậy”. Chủ nhiệm Thuận nói tiếp: “Quản lý gồm ban hành văn bản và kiểm tra đôn đốc, nhưng việc kiểm tra đôn đốc thì chẳng thấy Bộ trưởng nói gì”.
Trước những chất vấn về việc quản lý thuê bao di động trả trước, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thẳng thắn: “Ta quản lý cái này kém, phải thừa nhận”.
Xuân Toàn
Bình luận (0)