Quê nghèo tan tác vì hụi

17/08/2009 00:38 GMT+7

Cơn lốc hụi đã khiến hàng trăm người dân tỉnh Quảng Nam lâm vào cảnh tiền mất, nhà tan, nợ nần chồng chất...

“Tiết kiệm 5 năm, mất 1 giờ!”

Con đường duy nhất vào căn nhà thấp lè tè của bà Nguyễn Thị Lanh (58 tuổi, thôn Vân Quật, Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) phải băng qua dãy bờ ruộng, dọc bãi ngô dài vài trăm mét. Ba đứa con trai, đứa lớn đi bộ đội về, làm ăn được hơn một năm thì bỗng bị tâm thần. Vậy là cả nhà bà xoay vòng với tiền thuốc thang chữa trị cho con trai. Hằng ngày, vợ chồng bà đầu tắt mặt tối, đi bắt cá, trồng khoai, nuôi heo để mưu sinh. Nghe nhiều người mách nước, hai vợ chồng dè xẻn từng đồng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để tiền chơi chân hụi của bà Đinh Thị Xê trú cùng thôn, với kế hoạch cất một căn nhà tạm ở gần đường. Gần đến ngày trút ống, bà Xê bị bể hụi, vậy là số tiền dành dụm suốt 10 mùa lúa, tương đương với 5 năm ròng coi như mất trắng.

Dự định sửa lại căn nhà đã  xập xệ, trống toang hoác của bà Lê Thị Giàu (thôn Vân Quật, Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng coi như “phá sản”, khi toàn bộ số tiền chắt góp của 9 mùa lúa lam lũ của bà phút chốc đã tan tành theo chân hụi bà Xê. Nhà chỉ có bà và đứa con gái đang tuổi ăn học. Tranh thủ không vào vụ cấy, với chiếc xe đạp cà tàng, tài sản duy nhất, bà đi quanh các ngõ làng để nhặt ve chai kiếm thêm vài đồng. Ngày nghe tin bà Xê bị vỡ hụi, bà đứng chết trân trong căn nhà trống.

Từ ngày bà Xê vỡ hụi, nhiều hộ dân ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) như ngồi trên đống lửa, khi mà toàn bộ số tiền tích cóp, để dành gửi gắm vào biêu coi như về số 0. Trung tá Thái Văn Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an H.Duy Xuyên cho biết: con số thiệt hại ban đầu của những người chơi hụi của bà Xê khai báo với cơ quan chức năng khoảng 400 triệu đồng với 42 đơn tố cáo. Hiện tại, việc xác minh cũng như tiếp tục nhận đơn thư phản ánh của những người dân bị giật hụi vẫn đang được Công an huyện tiến hành.

Được biết, một ngày trước khi tới hạn trả tiền hụi cho người dân, bà Xê dựng hiện trường giả, báo mất trộm 160 triệu đồng nhưng đã bị phát giác. Quá trình điều tra, Công an địa phương phát hiện ra hiện có khá nhiều đường dây hụi ở Duy Thành, trong đó, nổi cộm là 8 đường dây hụi dạng lớn, có đến hàng trăm hộ nông dân tham gia.

Nước mắt... hậu hụi

Một trong những vụ vỡ hụi “đình đám” ở Thăng Bình, Quảng Nam là vụ vỡ hụi ở chợ Hà Lam của đường dây hụi Phạm Thị Hường (tên thường gọi là Hương), lôi kéo hầu hết những người làm ăn buôn bán lớn nhỏ ở chợ. Chị Phan Thị Kim Oanh, bán hàng gia vị, kể: “Trong thời gian từ năm 2000 đến 2006, bà Hường đã tổ chức cầm cái hụi, thu và chung tiền  hụi sòng phẳng nên đã tạo được lòng tin cho nhiều người. Hầu hết những người buôn bán ở chợ Hà Lam đều tham gia đường dây  hụi của bà Hường để giải quyết nhu cầu cần vốn kinh doanh, mua hàng... Nhưng từ giữa năm 2006 tới năm 2007, bà Hường đã lập ra những chân hụi khống, không rõ người chơi, hằng tháng không tổ chức cho người tham gia đấu biêu, không ai biết ai mà chỉ cần nộp tiền đủ cho bà Hường là được. Khi bị mọi người nghi ngờ thì bà Hường tuyên bố vỡ hụi rồi bỏ trốn”. Buôn bán vốn đã khó, nay toàn bộ số tiền dành dụm để mua hàng hóa cũng tiêu tan theo hụi khiến bà con tiểu thương chợ Hà Lam điêu đứng.

Không nén nổi những giọt nước mắt tủi khổ mình gánh chịu vì cơn lốc hụi khiến gia đình, vợ chồng lâm vào cảnh tan tác, chị Trần Thị Thanh, bán cơm tại chợ Hà Lam tâm sự: “Tui dự định chơi hụi để trả nợ, sửa lại căn lều bán cơm... ai ngờ! Giờ chỉ thấy cảnh nghèo vẫn như xưa, lại thêm vợ chồng hục hặc, ly tán vì xót của”. Cùng cảnh chị Thanh là hoàn cảnh của hơn 100 người khác có liên quan đến đường dây hụi của bà Hường cũng bị điêu đứng, từ người trẻ cho đến người già gần 70 tuổi, gom góp tiền để dành, từ hàng gia vị như bà Trinh, từ chị bán từng bó rau, con cá cho đến chủ các sạp hàng lớn. Có người may mắn thì gia đình không xào xáo nhưng kinh tế cũng bị khốn đốn, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Hầu hết những trường hợp vỡ hụi ở Quảng Nam đều rơi vào những người cầm cái chân hụi khá uy tín, có thời gian hoạt động lâu dài nên đã tạo được lòng tin nhất định đối với người dân. Việc chủ nợ có trả được hay không khoản tiền hụi là câu chuyện dài mà những người bị hại phải tiếp tục... chờ, nhưng hậu quả nhãn tiền là cảnh tiền mất nhà tan vẫn xuất hiện ngày càng nhiều ở những thôn quê nghèo ở Quảng Nam trong thời gian gần đây khiến đời sống người dân đã khổ nay càng thêm chật vật, khốn khó.

Quá trình tìm hiểu về cơn lốc hụi ở Quảng Nam, Thanh Niên nhận được phản ánh bức xúc của gần 50 người tham gia đường dây hụi của bà Hường ở Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) làm chủ. Sau khi vụ việc vỡ lở, bà Hường đã bị Công an huyện Thăng Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hơn 1 tháng sau ngày có quyết định truy nã, bà Hường đã về địa phương trình diện và bị bắt tạm giam gần 10 tháng. Đến ngày 26.4.2009, Công an huyện Thăng Bình đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Hường. Lý do theo quyết định trên được Công an huyện Thăng Bình cho biết là: sau khi có ý kiến của VKSND huyện Thăng Bình, cơ quan chức năng đã căn cứ khoản 2 điều 25 Bộ luật Hình sự” để miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Hường và cho rằng đây là vụ án dân sự, những người bị hại làm đơn khởi kiện tại tòa.

Việc áp dụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Hường gây bức xúc cho dư luận. Và cũng cần nói thêm là từ khi xảy ra bể hụi cho đến nay, bà Hường vẫn chưa đền bù một đồng nào cho những người dân nghèo bị hại.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.