Theo cuộc khảo sát năm 2008 do một số giảng viên tâm lý học Trường Sĩ quan Lục quân 2 thực hiện, trong số 200 sinh viên năm 1 của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Kinh tế quốc dân, Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, có 54% sinh viên cho biết cảm thấy khó khăn trong cách sinh hoạt ở môi trường mới, 60% thừa nhận nội dung học tập quá nhiều dẫn đến chán học, lo lắng, khó chịu, 22% bị mất ngủ thường xuyên.
Chưa kịp thích nghi
Không ít tân sinh viên gặp khó khăn khi phải thay đổi cách sinh hoạt hoàn toàn so với thời gian học phổ thông. Điều này dễ dẫn đến chán nản, lo lắng. Những sinh viên chưa quen sống tự lập càng có nguy cơ bị khủng hoảng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sinh viên N.V.B. (Đại học Sư phạm) tâm sự: “Những ngày bước vào giảng đường em phát bệnh triền miên, từ chỗ gia đình lo liệu toàn bộ thì nay em phải học cách tự chăm sóc mình, nào là cơm nước, giặt giũ quần áo, chi tiêu... sau vài tháng em mới có thể ổn định”. T.A. (Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai) cho biết: “Vốn là người sống nội tâm, mới vào trường em cảm thấy cô đơn, khó hòa nhập với bạn bè. Vì vậy, em phải học cách chấp nhận, thay đổi những thói quen không cần thiết để hòa nhập. Giờ đây tâm trạng của em rất thoải mái”.
Một số sinh viên do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp cũng dễ chán nản, sinh bệnh, nhất là sinh viên các trường dân lập khi mà mức đóng học phí cao so với khả năng. Sinh viên H.A. (Đại học dân lập Hồng Bàng) chia sẻ: “Kinh tế gia đình em rất khó khăn, nay mỗi tháng phải gửi cho em ít nhất một triệu rưỡi, vượt quá khả năng của gia đình, vì vậy em rất lo lắng không biết có thể tiếp tục học được nữa hay không”.
Áp lực học tập cũng là một nguyên nhân quan trọng tạo ra stress. Một số sinh viên không vượt qua được dẫn đến chán ăn, buồn ngủ, lo lắng quá sức, thậm chí có trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm. Trường hợp của sinh viên N.T.A. đỗ vào Đại học Bách khoa năm 2007, mới chỉ học được ba tháng thì phải nhập viện vì xuất hiện những rối loạn về cảm xúc, hành vi, buộc phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, sau ba tháng mới có thể hồi phục.
Tâm lý chán nản, thất vọng vì không được học đúng nguyện vọng cũng dẫn đến stress.
Ngoài ra, ở một số tân sinh viên còn có nguyên do gia đình không chuẩn bị tâm lý trước hoặc thiếu sự quan tâm.
Một số giải pháp
Chuẩn bị bước vào năm học mới tân sinh viên cần phải được chuẩn bị chu đáo, tránh khỏi và loại bỏ được những stress tiêu cực. Theo các chuyên gia tâm lý, cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Gia đình luôn hỗ trợ tinh thần cho con em trong những ngày đầu nhập học, thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn vướng mắc.
2. Nhà trường cần có kế hoạch đón tiếp sinh viên chu đáo, tạo tâm lý thoải mái khi bước vào giảng đường, hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nên tổ chức các buổi gặp mặt giới thiệu để tân sinh viên làm quen với nhà trường. Các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng cần thiết để giúp sinh viên dễ hòa nhập, thích ứng với môi trường mới.
3. Nhà trường cần nắm được những biểu hiện tâm lý bất thường của sinh viên, nhất là những sinh viên khó thích ứng, từ đó có kế hoạch chủ động để tư vấn hoặc hỗ trợ về vật chất, tinh thần.
4. Giảng viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, nên sử dụng phương pháp dạy học tích cực để các tân sinh viên hứng thú với nội dung môn học.
5. Bản thân tân sinh viên cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi bước vào giảng đường. Cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Tránh tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”. Trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, hãy tự tin và vững vàng vượt qua những rào cản để ổn định sức khỏe, tinh thần.
Theo Nguyễn minh thức / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)