California lôi kéo các nhà làm phim trở lại Hollywood

17/08/2009 11:13 GMT+7

Dù Hollywood là biểu tượng của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, nhưng suốt mười năm qua bang California đã hụt hơi trước các bang khác ở Mỹ và Canada trong cuộc giành giật các nhà làm phim.

Hãng tin Reuters cho biết hiện số lượng phim sản xuất tại California đã giảm hơn 50% so với năm 2003. Số lượng phim truyền hình, quảng cáo làm tại đây cũng sụt giảm rất mạnh. "Các con số của năm 2008 là tồi tệ chưa từng thấy, nhưng sáu tháng đầu năm 2009 thậm chí còn giảm hơn mức đó 50% - ông Paul Audley, chủ tịch tổ chức FilmLA, bình luận - Tình trạng này là một thảm họa".

Từ cuối thập niên 1990, Canada đã bắt đầu lôi kéo các nhà làm phim Mỹ đến sản xuất phim bằng những sáng kiến thuế hấp dẫn. Ðồng đôla Canada yếu cũng đồng nghĩa với việc quay phim ở Canada rẻ hơn so với ở Mỹ. Các phim trường lớn đã được dựng lên ở Vancouver và Toronto, giúp các hãng phim Mỹ tiết kiệm thêm tiền bởi họ không phải đem theo nhân lực và thiết bị sang bên kia biên giới. Năm năm trước, hàng loạt bang ở Mỹ theo bước Canada tung ra các khoản hỗ trợ thuế cho giới làm phim.

Kết quả là rất nhiều phim "bom tấn" được quay tại Canada và các bang khác ở Mỹ. Ví dụ, bộ phim hành động Terminator salvation (Kẻ hủy diệt 4) được quay tại bang New Mexico để tận dụng mức giảm thuế 25% của bang này. Bộ phim ăn khách Twilight (Chạng vạng) của năm 2008 được quay tại bang Oregon, còn phần kế tiếp New moon (Trăng non) được quay tại Vancouver. Mới đây, loạt phim truyền hình ăn khách Ugly Betty (Betty xấu xí) đã ngừng quay ở California và chuyển sang thành phố New York để tận dụng khoản ưu đãi thuế 30%.

Khi các hãng phim rời bỏ California, cộng với khủng hoảng kinh tế, ngành công nghiệp điện ảnh California điêu đứng. Báo New York Times cho biết trong tháng 7, hãng cung cấp đạo cụ lớn thứ hai ở Hollywood là 20th Century Props đã phải đóng cửa. Chủ tịch Harvey Schwartz cho biết 20th Century Props là nạn nhân của tình trạng các hãng phim bỏ California và vụ đình công kéo dài 14 tuần của các nhà biên kịch hồi năm ngoái. Xưởng phim Culver Studios, nơi các bộ phim kinh điển như Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) hay Citizen Kane (Công dân Kane) được quay, giờ chỉ hoạt động cầm chừng.

Theo Reuters, mới đây thống đốc California Arnold Schwarzenegger, cựu diễn viên Hollywood, lần đầu tiên công bố các khoản ưu đãi thuế ở mức 20-25% dành cho các bộ phim. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia điện ảnh cho rằng động thái này đã quá trễ bởi nhiều bang khác ở Mỹ đưa ra các khoản ưu đãi thuế hấp dẫn hơn, có khi lên tới 40% với ít thủ tục hành chính hơn.

Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.