Sinh ra và lớn lên giữa vùng cói Nga Sơn, học dang dở lớp 10 rồi nghỉ, từng chứng kiến những thăng trầm của nghề cói, chàng nông dân Trần Văn Phong đã ấp ủ một ngày nào đó sẽ làm ra những chiếc máy nhằm giảm bớt nỗi vất vả của bà con. Khoảng năm 2005, Công ty Việt Trang (chuyên sản xuất hàng thủ công từ cây cói) trên địa bàn huyện Nga Sơn được một đối tác chuyển giao 6 chiếc máy dệt chiếu của Nhật Bản. Do sợ bị “đánh cắp công nghệ”, công ty đã tổ chức quản lý máy móc rất chặt chẽ. Đây là đơn vị duy nhất ở Thanh Hóa lúc đó ký được hợp đồng cung cấp chiếu cói cho thị trường Nhật Bản. Tất cả hàng hóa đều được sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn, bảo quản cói, đặc biệt phải được dệt bằng công nghệ của Nhật...
Tin đồn về những chiếc máy dệt chiếu nhanh chóng lan ra khắp vùng cói Nga Sơn. Nhiều người, trong đó có Trần Văn Phong, muốn đến tham quan, nhưng không được công ty cho phép. Quyết tâm làm ra chiếc máy của riêng mình, sẵn có nghề hàn xì Phong bắt tay vào nghiên cứu. Tạm gác lại công việc thường ngày, Phong biến toàn bộ sân nhà thành khu vực thiết kế máy dệt chiếu. Anh làm việc miệt mài, nhiều hôm đến tận 2 giờ sáng mới đi ngủ khiến người vợ trẻ cằn nhằn “chỉ tốn thời gian, hao tổn sức khỏe, nên trò trống gì đâu, rồi lại bỏ cuộc cho mà xem”. Tạm bỏ ngoài tai tất cả, Phong vẽ xong các chi tiết máy, rồi cho thợ xẻ gỗ tiện khuôn, lên mô hình, sau đó đưa ra Nam Định thuê đúc. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, chỉnh sửa, cuối cùng chiếc máy dệt chiếu đầu tiên cũng được hoàn thiện. Đóng cầu dao điện cho máy chạy thử không tải êm ru, Phong mừng quýnh, gọi vợ mua bia, khao bạn bè một bữa. Rồi anh tức tốc đến Công ty Việt Trang đề nghị hợp tác. Công ty này đã cử công nhân đến nhà cùng với Phong thử vận hành chiếc máy. Kết quả làm các công nhân bất ngờ, bởi tốc độ dệt của chiếc máy do Phong chế tạo chẳng thua gì máy Nhật.
Trần Văn Phong - Ảnh: Ngọc Minh |
Sau thành công bước đầu, Phong lại lao vào nghiên cứu làm ra chiếc máy dệt chiếu loại 1,5m đồng thời cải tiến công nghệ. Máy của Phong và của Nhật đều có nhược điểm là cứ dệt một lá chiếu thì phải thay đay một lần. Mỗi lần thay đay tốn mất 20 phút của công nhân. Như vậy, trong một ngày để dệt được 8 - 10 lá chiếu, công nhân mất khoảng 3 giờ đồng hồ mắc đay. Và Phong đã thành công khi sử dụng hệ thống mắc đay theo cuộn. Chỉ mắc đay một lần, công nhân có thể làm một lèo 20 - 30 lá chiếu. Hết cuộn đay nào, công nhân chỉ việc nối cuộn mới trong vòng một phút là có thể sản xuất tiếp được. Vì vậy năng suất lao động của máy dệt chiếu hiệu “Phong Tran” đã tăng gấp rưỡi so với công suất của máy do Nhật sản xuất...
Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng ở các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ngãi... tìm đến Phong để đặt hàng tới tấp. Đến nay, anh đã cho xuất xưởng gần 100 chiếc máy dệt chiếu “Made in Phong Tran”. Hiện nay Phong đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến hệ thống gắp cói tự động, nhằm nâng công suất máy lên một bước mới. Đây cũng là điều kiện để chiếc máy của anh hoàn thiện một cách đúng quy chuẩn, đủ sức cạnh tranh với bất kỳ loại máy ngoại nhập nào trong khi giá thành chỉ bằng 1/3.
Ngọc Minh
Bình luận (0)