Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy gặt đập liên hợp “cháy hàng”

19/08/2009 22:31 GMT+7

Với giá bán từ 190 - 200 triệu đồng một máy gặt đập liên hợp không phải là thấp. Vậy mà mỗi tháng cơ sở Tư Sang (khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang - ĐT: 0919272865) làm ra gần 25 máy vẫn không kịp để giao.

Ưu thế hơn máy ngoại

Hôm chúng tôi đến cơ sở Tư Sang thì gặp anh Nguyễn Thành Trung, một nông dân ở xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành (Long An) đang ngồi chờ nhận máy đã đặt mua trước đó 2 tháng rưỡi. Anh Trung cho biết đã xài 4 máy phóng lúa của cơ sở Tư Sang rồi, thấy rất bền vì mỗi máy sử dụng được 3 năm. Vì vậy, sau khi dành dụm được 100 triệu đồng, anh quyết định vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng nữa để mua máy gặt đập liên hợp.

Giá không rẻ nhưng được nông dân chấp nhận, theo ông Tư Sang vì sản phẩm của ông thiết kế phù hợp với đặc thù của ruộng đồng sình lầy vùng ĐBSCL. Ngoài quy trình cắt, đập, rê, vô bao hoàn chỉnh, máy còn có những ưu điểm nổi bật như khi vận hành ít hao hụt, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao, ít bị hư hỏng lặt vặt khi chạy trên đồng. Đặc biệt là lúa ngã đổ cỡ nào máy vẫn cắt được, nhờ bộ phận bốc lúa và cắt. Với máy có hàm cắt rộng 2m, ông Tư Sang nói chỉ cần 3 lao động (một người lái, 2 người thao tác vô bao), mỗi ngày có thể thu hoạch được chừng 6 ha lúa. Nếu lúa bị ngã thì cũng thu hoạch được 3 ha/ngày.

Giải thích về giá thành, ông Sang cho rằng vì cơ sở lựa chọn, sử dụng toàn phụ tùng, linh kiện tốt để bảo đảm máy chạy ổn định và độ bền cao.

Thành công từ thất bại...

Năm nay 62 tuổi, tên thật của ông là Nguyễn Văn Lang, thứ tư, nhưng vì hồi nhỏ thấy tướng của ông... sang nên bạn bè gọi là Tư Sang, rồi “chết tên” cho đến bây giờ. Khởi nghiệp từ một tiệm sửa chữa cơ khí nhỏ ban đầu, cơ ngơi của ông Tư Sang bây giờ được mở rộng với quy mô 3 phân xưởng và hơn 60 thợ, nhưng thành công của ông đã phải trải qua nhiều gian nan, thử thách.

Ông Tư Sang kể trước kia cha của ông làm nghề thợ mộc, gia đình đông con nên rất nghèo. Do vậy, mới học xong lớp nhất trường làng (lớp 5 bây giờ) thì ông đã phải nghỉ học. Khi lớn lên, lập gia đình thì cuộc sống chỉ đủ ăn. Năm 1972, từ Cao Lãnh (Đồng Tháp), ông đưa vợ con về Cái Bè (Tiền Giang) lập nghiệp. Thời gian đầu ông đi làm thuê, sau đó ông mượn vốn để mở cơ sở nhỏ sửa chữa, hàn, tiện các chi tiết cho máy cày, máy nổ. Khoảng năm 1980 ông chuyển sang làm thùng máy suốt lúa, phóng lúa, được nông dân ưa chuộng vì độ bền. Lúc bấy giờ trên thị trường đã có máy gặt đập của Liên Xô, Nhật, nhưng không thích hợp với điều kiện đồng ruộng lầy lội, diện tích canh tác nhỏ và giao thông nội đồng khó khăn ở ĐBSCL. Thế là ông bắt đầu để tâm nghiên cứu, vận dụng từ nguyên lý của máy nước ngoài.

“Vì rất kỳ vọng vào máy gặt đập liên hợp nên tôi đã bỏ thời gian theo đuổi, mày mò suốt gần 10 năm. Năm 1997, tôi bắt đầu sáng chế rồi đưa máy gặt đập liên hợp lên đồng ruộng thử nghiệm, nhưng cứ bị... trật vuột hoài. Mãi đến năm 2005 mới hoàn chỉnh chiếc máy đầu tiên và bán về huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Khi đưa vào sử dụng được nông dân chấp nhận, nhưng máy hay bị hư lặt vặt nên phải theo dõi, chỉnh sửa cho khách hàng và rút kinh nghiệm để cải tiến, khắc phục dần”, ông Tư Sang nói.

Hiện máy gặt đập liên hợp của Tư Sang được sử dụng rất nhiều ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang...

Ba năm liền, máy gặt đập liên hợp của cơ sở Tư Sang đoạt giải tại các hội thi do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức: Năm 2007 đoạt giải khuyến khích tại Kiên Giang; năm 2008 đoạt giải nhất tại Đồng Tháp; và năm 2009 đoạt giải nhì tại An Giang.

Sản phẩm của ông Ba Tri

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở xã Hòa Tân, huyện Tuy Hòa (Phú Yên), ông Nguyễn Tri (Ba Tri) sinh năm 1948, phải tự lập từ sớm để nuôi sống bản thân và gia đình. Năm 1963 cùng gia đình vào lập nghiệp tại thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Với trình độ lớp 5, không học qua lớp đào tạo kỹ thuật nào nhưng ông Ba Tri đã mày mò tự chế thành công máy gặt đập liên hợp với cái tên rất gần gũi: “Máy gặt đập liên hợp Ba Tri”.

Với bản chất cần cù, ham học hỏi, từ nhỏ ông đã đam mê tìm tòi khoa học kỹ thuật, nhất là cơ khí. Đến năm 2006 ông tự thiết kế và sản xuất ra chiếc máy đầu tiên gặt đến đâu sạch đến đó và cho ra hạt lúa đưa vào đóng bao ngay tại ruộng. Ngay những năm sau đó, ông đưa máy ra đồng gặt lúa cho gia đình và làm công cho nông dân trong vùng với giá từ 50.000 đồng/sào. Sau thành công này, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm ông sản xuất được trên 3 máy gặt đập liên hợp, đồng thời nghiên cứu, cải tiến, bổ sung những khiếm khuyết và đến tháng 7.2009 đã cho ra lò được 10 máy đều được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt mua tiêu thụ hết.

Ưu điểm của “máy gặt đập liên hợp” Ba Tri là gọn gàng, bền, làm ra được sản phẩm hạt lúa không còn tạp chất, công suất mỗi ngày gặt đập được 3 ha lúa. Cứ mỗi máy sản xuất ra, ông thu lãi trên 30 triệu đồng. Ông cho biết: “Khó khăn hiện nay là giá vật tư cao, thiếu vốn làm ăn nên khi có khách hàng đặt mua mới sản xuất. Với giá 150 triệu đồng/máy là tương đối cao đối với người nông dân, nhưng thấy hiệu quả kinh tế do máy mang lại nên nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã đặt mua và sử dụng hiệu quả”.

Thái Hồng Quang (1/13, Hùng Vương, Nha Trang, Khánh Hòa)

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.