“Nóng” chuyện rút giấy phép

19/08/2009 22:42 GMT+7

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cả trong và ngoài nước gần đây lần lượt bị “nêu tên” vì chậm triển khai dự án.

Chậm tại ai?

Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư và địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép đầu tư dự án khu dân cư 42 ha, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng, ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Tháng 7 vừa rồi, qua báo chí chủ đầu tư mới “tá hỏa” biết rằng dự án có thể bị thu hồi vì triển khai chậm tiến độ. Bà Hồng Thị Kim Tuyến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, cho rằng: “Trước đây, tỉnh Tây Ninh có họp nhắc nhở công ty chậm thực hiện dự án, chúng tôi báo cáo còn kẹt 4 ha mà huyện Bến Cầu chưa giúp giải tỏa hết. Tới tháng 7 rồi, công tác giải tỏa mới xong, ngay sau đó chúng tôi biết dự án có thể bị thu hồi”.

Chưa có thống kê cập nhật dự án đã bị rút giấy phép đầu tư, dự án chậm triển khai so tiến độ. Nhưng số liệu mới công bố ở các tỉnh thành gần đây, con số này là rất lớn: 12 dự án ở Phú Quốc (Kiên Giang); 12 ở Ninh Thuận; 22 ở Tây Ninh; 29 ở Lâm Đồng; 46 ở Bắc Ninh... Tại Bình Thuận, trong số 919 dự án cấp phép còn hiệu lực, chỉ có 475 dự án đi vào hoạt động. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng trở thành “điểm nóng” dự án treo...

Ông Thân Thanh Vũ, Tổng giám đốc PhuQuocland, đơn vị có cổ phần trong một số dự án khách sạn ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang), đồng thời làm tư vấn đầu tư, phát biểu: Cơ sở hạ tầng ở Phú Quốc đang là “nút thắt cổ chai” đối với các nhà đầu tư (NĐT). Theo ông Vũ, hiện số lượng phòng ở Phú Quốc lớn hơn công suất máy bay rất nhiều. Chẳng hạn, một khách sạn 100 phòng, nếu hai người ở một phòng, thì trường hợp đầy khách sẽ có 200 người ở. Trong khi, mỗi ngày chỉ có cao nhất 6 chuyến bay ATR 60 chỗ ngồi đáp xuống sân bay Phú Quốc. “Giả sử tất cả dự án khách sạn đều đồng loạt mở cửa đón khách ở thời điểm này thì chỉ có... chết” - ông Vũ cho biết.

Việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng, quy hoạch không ổn định, khiến NĐT ở Phú Quốc nản lòng. Cũng vì lý do này mà trong số 33 dự án đã được cấp phép, với diện tích 1.800 ha; 174 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 8.000 ha, thì chỉ có 5 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án chuẩn bị hoạt động. Hồi tháng 6, tỉnh Kiên Giang đã công bố quyết định thu hồi 12 dự án đầu tư tại huyện này do chậm triển khai.

Cần lọc đầu vào!

Lý giải vì sao các dự án đầu tư vào tỉnh Đồng Nai gặp nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai và có ít dự án bị thu hồi giấy phép, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh, cho biết: Thứ nhất là xem xét, chọn lựa “đầu vào” kỹ càng; thứ hai là sâu sát với NĐT, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của họ. “Thường thì họ chậm triển khai từ 6 - 8 tháng, đó là thời gian hợp lý, và tỉnh sẽ tạo điều kiện để NĐT theo đuổi dự án. Trường hợp cố tình, thu hồi giấy phép là chuyện bình thường”, bà Thu nói.

Nhiều NĐT bày tỏ, việc thu hồi giấy phép là cần thiết đối với những NĐT không chịu làm, cố tình trì hoãn. Tuy nhiên, ông Tai Hui, chuyên gia kinh tế người Singapore, cho rằng trước khi công bố quyết định, chính quyền cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để quyết định một cách hợp tình hợp lý, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đưa ra quan điểm, việc ồ ạt thu hồi giấy phép đầu tư trong thời điểm này dễ gây “chấn động” và không tốt. “Hằng năm, chính quyền nên thực hiện việc rà soát các dự án chậm và kiên quyết thu hồi nếu NĐT không chuyển biến tích cực. Không nên dồn vào một lúc”, bà Lan nói. Theo bà Lan, cả NĐT và chính quyền cần đề xuất những cuộc gặp gỡ để cùng tháo gỡ khó khăn,hạn chế việc rút giấy phép “oan” với những NĐT thực sự muốn đầu tư.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.