Tài khoản online ra sao khi bạn qua đời?

20/08/2009 09:48 GMT+7

Ngày càng có nhiều người có cuộc sống gắn liền với mạng ảo. Thư viết tay đã trở thành email, nhật ký được viết trên blog, album ảnh đã lên hết trên mạng. Liệu chúng sẽ tồn tại mãi mãi như... Internet? Những thông tin này sẽ như thế nào nếu chúng ta... đột ngột qua đời?

Vấn đề khá nghiêm túc. Các website trên thế giới đang tìm cách xử lý phù hợp đối với thông tin cá nhân của người dùng khi họ qua đời.

Khi cô con gái 21 tuổi đột ngột qua đời trong một tai nạn đầu năm 2007, cũng như nhiều người đang đau khổ vì sự ra đi đột ngột của người mà mình yêu thương, bà Weiss bấu víu vào Internet, sự có mặt trên mạng của con gái bà khi cô còn sống. Mặc dù Facebook đã đóng tài khoản của Amy ba tháng sau khi cô qua đời, trang web đã quyết định giữ lại thông tin người dùng (profile) của cô.

Phát ngôn viên Elizabeth Linder của Facebook cho biết Facebook quyết định giữ lại thông tin người dùng sau khi các sinh viên qua đời trong vụ bắn giết ở Đại học Công nghệ Virginia, vì các bạn học của họ có nhu cầu tưởng nhớ những người đã khuất. Facebook sau đó tạo ra một “khu vực để tưởng niệm” dành cho những người dùng đã qua đời, nhưng gỡ bỏ các ứng dụng như update tình trạng (status) hay tạo nhóm.

Cho đến nay thông tin cá nhân được xử lý thế nào nếu người dùng qua đời phụ thuộc vào các website khác nhau. Các mạng xã hội có xu hướng giữ nguyên các tài khoản đó, nhưng giới hạn người xem, đưa bình luận và người thân của họ có thể yêu cầu xóa tài khoản. Đối thủ MySpace của Facebook cũng đưa ra chính sách tương tự nhưng không giới hạn người xem. Điều này đã khiến trang MyDeathSpace.com ra đời, dùng để chứa những profile của người dùng MySpace đã qua đời.

Các trang chia sẻ hình ảnh như Flickr cũng vẫn giữ tài khoản, nhưng các hình ảnh được ghi chú là riêng tư (private) thì Flickr sẽ không để bạn bè hay người thân gia đình truy cập vào.

Vậy email thì sao? Khi bạn biến mất khỏi cõi trần thì email không biến mất theo bạn. Nguyên tắc của Yahoo! Mail là giữ lại tài khoản đó và vẫn tôn trọng bí mật cá nhân. Phát ngôn viên Jason Khoury nói Yahoo! sẽ tôn trọng tính riêng tư của mỗi cá nhân ngay cả sau khi họ qua đời. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy.

Năm 2005, thân nhân của người lính Mỹ chết tại Iraq đã kiện để có quyền truy cập vào tài khoản email của người này. Tòa án đứng về phía họ. Nhưng thay vì giao mật khẩu, Yahoo! copy toàn bộ email vào một CD. Hotmail cũng có chính sách tương tự nếu người nào đó cung cấp bằng chứng cho thấy người thân của họ đã chết và họ có mối quan hệ sâu sắc với người này. Còn Gmail yêu cầu người đòi truy cập vào tài khoản của người quá cố đưa ra một email chứng minh hai người có mối quan hệ thân thiết.

Thực tế đang có những công ty bắt đầu nhảy vào thị trường kinh doanh thông tin các cá nhân sau khi họ qua đời. Dịch vụ mà các công ty như Legacy Locker, Asset Lock và Deathswitch cung cấp giúp mọi người lập kế hoạch cho cái chết của mình bằng cách thu thập các chi tiết như mật khẩu email khi họ đang sống. Giá mỗi năm mà Công ty Legacy Locker đặt tại San Francisco (Mỹ) thu là 30 USD hoặc 300 USD nếu tính trọn gói cả đời. Công ty sẽ quản lý các thông tin tài khoản cho bạn, viết bố cáo khi bạn qua đời.

Còn Công ty Deathswitch đặt tại Houston thì lưu giữ các gợi ý hướng dẫn ma chay, viết lời phúng điếu và “những bí mật không thể tiết lộ”. Thú vị là website này thường xuyên gửi mail để kiểm tra xem bạn còn sống hay không, theo mức độ thường xuyên tùy bạn yêu cầu. Nếu công ty gửi nhiều email mà bạn không trả lời, công ty coi như bạn đã qua đời.

Ý tưởng thành lập Legacy Locker đến với Jeremy Toeman sau khi anh này đi trên máy bay và nghĩ đến tương lai của các tên miền mà mình sở hữu nếu chẳng may máy bay rơi. Jeremy dự báo trong năm năm tới con người sẽ thật sự lưu ý đưa các tài sản số (digital assets) của mình vào di chúc.

Theo Hạnh Nguyên / Tuổi Trẻ
(Nguồn: Newsweek)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.