Điểm hẹn Thất Sơn

20/08/2009 10:22 GMT+7

(TNTT>) Núi Cấm, núi Két … trong tâm tưởng người dân vùng Bảy Núi, là những đỉnh non thiêng và là nơi giao hòa cỏ cây hoa lá cùng với đất trời mênh mông sương lạnh.

Ai từng đến Tịnh Biên-Tri Tôn, chinh phục đỉnh Bồ Hông, nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long (cao 716m), sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh hoành tráng của vùng Bảy Núi, An Giang.

Toàn cảnh vùng Thất Sơn ngời lên một vẻ đẹp sâu lắng và êm dịu khiến du khách phải ngỡ ngàng.

Núi thiêng

Lần theo tuyến quốc lộ 91, du khách sẽ đến với Bảy Núi, nơi còn ẩn chứa nhiều huyền thoại của một thời. “Thất sơn huyền bí” khơi dậy sự tò mò và mời gọi bước chân khám phá của bạn.

Thú vị nhất là đường lên núi Cấm, núi Két, núi Tô…, nơi nào cũng có điểm dừng chân lý tưởng. Ở đó du khách sẽ ghé quán võng, quán thốt nốt, quán bánh xèo ăn với 15 loại rau rừng độc đáo.

 

Những bữa tiệc sẽ rôm rả giữa một không gian xanh mát, ấm cúng tuyệt vời. Riêng đường lên núi Cấm, bạn có thể đi bộ, đi xe ôm hoặc xe chuyên dụng đời mới.

Đến đâu du khách cũng nghe tiếng chim hót véo von, cũng gặp gỡ những con người dung dị, cần cù và lam lũ, đặc biệt là được nghe nhiều sự tích thật ly kỳ.

Núi Cấm, núi Két, núi Tô…trong tâm tưởng của người dân Bảy Núi, từ lâu đã là những đỉnh non thiêng, nơi giao hòa của cỏ cây hoa lá cùng với đất trời mênh mông sương lạnh, bốn mùa khí hậu mát mẻ, cây cối xinh tươi.

 

Càng lên cao tiết trời càng se lạnh, nhất là về đêm, sương trắng phủ đầy trên đỉnh Cấm Sơn. Thế nên nơi này từng được ví là Đà Lạt thứ 2. Đây cũng là điểm hẹn lý tưởng đối với những ai mê dã ngoại.

Đến với Bảy Núi, bạn sẽ có dịp tham quan đồi Tức Dụp, leo lên núi Tô, tắm hồ Soài So, chinh phục núi Cấm xem tượng Phật lớn, hoặc đến Ba Chúc thăm chùa Phi Lai và nhiều di tích lịch sử đầy ý nghĩa khác.

Coi đua bò

Du lịch vùng Bảy Núi, khách còn thích thú với các lễ hội truyền thống như đua bò Bảy Núi (29-8 đến mùng 1-9 âm lịch), lễ Dolta của người Khmer và hấp dẫn nhất là tìm hiểu thêm về những nét sinh hoạt độc đáo của bà con ở vùng biên địa trong mùa nước nổi, như đánh bắt cá linh, câu ếch, đặt trúm lươn, bắt rắn hổ, nhổ rau bông súng.

 

Thú vị nhất là vùng Bảy Núi vẫn còn tồn tại loại hình xe bò và xe ngựa hết sức thô sơ, suốt ngày lộc cộc trên đường.

Mê say hương vị núi rừng

Về vùng Bảy Núi khách không chỉ chiêm bái, vãn cảnh, nghỉ dưỡng và hòa mình vào thiên nhiên mà còn có dịp khám phá và thưởng thức nhiều món ngon độc đáo đặc trưng hương vị của một vùng núi rừng Tây Nam, như khô bò, lạp xưởng bò, bò xào lá dang, canh chua lá dang, khô cá tra phồng, bò cạp chiên giòn và uống nước thốt nốt tươi.

Nhưng các đặc sản nổi tiếng xưa nay vẫn là món cháo bò, bò nướng lá trúc và gà hấp lá trúc. Trúc là một loại cây đặc hữu của núi rừng Tịnh Biên và Tri Tôn, được trồng rải rác ở một vài phum sóc của người dân tộc thiểu số, tiếng Khmer gọi là “kôt-sôt".

Trái trúc có vị chua như chanh nhưng rất thơm và the. Có thể nói đó chính là “phần hồn” không thể thiếu được của tô cháo bò vùng Thất Sơn.

Khách khoái vị chua chua cứ vắt thêm trúc vào tô cháo đang bốc khói, thêm ớt cho thật cay để vừa ăn vừa hít hà, thế mới sướng. Lá trúc cũng là thứ từng làm nên “kỳ tích”. Gà hấp lá trúc, bò nướng lá trúc…hơn thua nhau chỉ ở cách nấu và cách trình bày. Chính mùi vị thơm nồng, chua the của lá trúc đã nâng món bò nướng và gà hấp lên hàng đẳng cấp. 

Vùng Bảy Núi tuy không có những món ăn “nổi đình nổi đám” nhưng mỗi quán ăn, mỗi nhà hàng đều có cách chế biến và sáng tạo riêng, song nét văn hóa chủ đạo vẫn là hương rừng và tâm hồn phóng khoáng. 

Ai đã một lần đến với Bảy Núi chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những nét văn hóa đặc thù, giàu tính nhân văn của người dân bản địa hiền hòa, mộc mạc, đầy thân thiện.

Và bạn sẽ nhớ mãi những món ngon dân dã nhưng đậm đà, nhiều ấn tượng khó quên.

Hoài Phương  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.