Bắt con chim bay...

23/08/2009 00:49 GMT+7

Hôm qua thức dậy thật sống động khi trước mắt tôi rợp trời chim yến. Không phải là cánh én báo tin xuân trong tâm thức Việt mà là những đàn chim yến biển báo tin vui dưới bầu trời Bắc Mỹ An của Ngũ Hành Sơn huyền thoại. Nghe đọc bài

1. Đà Nẵng có một doanh nhân nổi tiếng cả nước. Trên ti vi quen thấy anh tháp tùng các VIP đi Tây tiếp thị, ký kết những dự án liên quốc gia. Khởi nghiệp từ dự án "đồ bành", mãi đến nay anh vẫn trung thành phương châm bắt con chim đậu, ý nói dự án nào ăn chắc thì làm, không chắc thì thôi. Vậy mà mới đây, cũng tại Đà Nẵng, tôi gặp một doanh nhân ngược lại, chuyên bắt con chim bay và đã có những mẻ lưới ngon lành. Cái lạ là loài chim này, hầu như bay hoài, suốt đời không nghỉ. Thậm chí, có người nói thách nếu ai thấy chúng đậu là "chết liền". Loài chim nhỏ, cánh đen, bụng xám, chuyên làm tổ bằng nước miếng xanh hoặc máu thắm của chính mình. Và đó chính là sản phẩm vua chúa xưa săn tìm. Nay, dưới lăng kính khoa học, con người phát hiện thêm những tác dụng y học tuyệt vời của nó nên quyết "bắt con chim bay" từ ngoài đảo, trên biển vào nhà cao tầng, gọi là chăm sóc. Loài chim đó không gì khác hơn: yến biển.

2. "Một ký phân ba trăm ngàn đồng, một can nước mùi ba triệu đồng...", Dũng KDT (tên doanh nghiệp cũng là biệt danh của Trần Duy Dũng) nhớ lại những ngày đầu bắt tay nghiên cứu tập tính loài chim yến và anh tình cờ tiết lộ bí quyết "dụ khị" chúng theo nhau bay vào tòa nhà 5 tầng khu An Thượng, bên biển Mỹ An được anh xây nên chỉ mới 2 năm. "Chỉ có phân và nước mùi của chim yến thải ra mới dụ được những đàn yến đang khiêu vũ trên trời. Mười loại âm thanh chim yến, liên tục được phát ra từ bên trong và ngoài tòa nhà cũng là những điệu nhạc quyến dụ. Khi vui, khi buồn, khi bay, khi lượn, khi đậu, khi ấp trứng và cả khi yêu... Nghe đến mê hồn!". Dũng văn hoa chút chút khi cho tôi xem những CD âm thanh được các nghệ nhân lành nghề ghi âm tại Khánh Hòa và Indonesia. Tôi không tài nào phân biệt được tiếng chim yến thiệt và tiếng chim yến giả. Nghe cứ ríu ran như tiếng dế gáy lẫn tiếng chim chiền chiện thuở tôi còn ở quê. Tại phòng "chỉ huy" anh lắp đặt hệ thống âm thanh, hệ thống phun ẩm hẹn giờ và 3 camera theo dõi hoạt động ở 3 tầng nhà cao nhất. Tầng 5 là sân chơi, ở đó có 2 cửa ra vào và cũng là nơi chim yến tập bay. Tầng 4 là nơi chim yến làm tổ, ấp trứng. Còn tầng 3, tối om, tôi không rõ gì, chỉ nghe tiếng chim yến kêu líu ríu... Dũng cũng không giải thích gì thêm, chỉ nháy mắt: "Bí mật! Bí mật!".

Một tòa nhà dành riêng cho chim yến bên chợ Hòa Hải xây dựng đã 2 năm

3. Tọa thiền bên dưới giàn phong lan, dù trời nắng gắt, tôi cảm thấy mát lạnh. Hóa ra, làn hơi nước phun sương từ bên trên rơi xuống, trong lành, mát mẻ. Phong lan, cây cảnh phía dưới hưởng hơi, xanh tốt. Chính yến mẹ ủ hơi nước này trong bộ cánh, mang vào tổ, yến con rúc vào lòng mẹ và giải khát. Bỗng có mấy con chim yến sà xuống trước mắt tôi. Chúng bay vào tận phòng khách và dường như nô đùa với 2 con gái cưng của Dũng. Yến tập bay mà nhanh như chớp, ống kính của tôi đặt chế độ ảnh động vẫn không thể nào "dừng" chúng lại. "Chủ nhật nào, yến cũng bay vào tầng trệt. Có lẽ do anh em văn phòng KDT nghỉ làm ở tầng 2 nên chúng sà xuống chào... thiếu nhi". Dũng cười, suy đoán.

Thế rồi, chúng tôi sang sân thượng nhà đôi vợ chồng bác sĩ về hưu, quan sát chim yến bay vào tòa nhà KDT qua 2 ô cửa hình vuông. Bấy giờ đã hơn 10 giờ, cả đàn đã bay đi ăn tận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế hoặc ngoài các ghềnh, đảo ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc... Chỉ còn vài chục chim mẹ đang nuôi con và những chú chim con tập làm quen khung trời cao rộng. Chúng bay hoài, bay hoài. Lúc xếp cánh, lúc xòe ra, lúc lượn vòng vút lên hoặc đột nhiên chúi xuống như máy bay tiêm kích. Bà chủ nhà hàng xóm cũng dõi theo thích thú quên khuấy nỗi phiền do những dấu phân đen rồi trắng rải rác trên sàn bê tông. Dũng nói chị thông cảm, sẽ tìm cách làm vòm, cùng giải quyết hậu quả của loại phân... quý hiếm. Tôi "phán": "Phân yến giàu măng-gan, ma-nhê, có khi chữa được bệnh đó". Là bác sĩ, chị cảm thấy vui, dù không rõ tôi đùa hay thật. Ngẫu hứng, Dũng rút điện thoại gọi cho một VIP của Đà Nẵng báo tin: "Yến đã thành đàn, không còn... lang thang xin ăn anh ạ". Tôi nghĩ, chắc VIP này đang tủm tỉm cười vì khi ra tay giải tỏa quy hoạch trên mặt đất ông cũng tự nhiên góp phần phân lô bầu trời, tạo ra những khoảng không gian sinh thái cho thành phố. Không khói bụi, không ô nhiễm âm thanh. Chúng đạt chất lượng cao đến độ kéo được chim yến từ khơi xa vào với đất liền. 

Vũ điệu chim yến khi chim mẹ hướng dẫn chim con tập bay - Ảnh: Đ.N.K

4. Sản phẩm từ chim yến chính là chiếc tổ của nó. Tất nhiên không tính loại tổ làm bằng... rác của loài chim yến cư ngụ dưới những bồn nước treo, ngoài ánh sáng. Một tổ yến đảo như Cù Lao Chàm hoặc yến sào Khánh Hòa, thời giá thấp nhất 90 triệu đồng/kg. Tổ yến huyết quý hơn, từ 120 đến 150 triệu đồng/kg. Yến Indonesia chất lượng thấp hơn yến Việt, khoảng 60 triệu đồng/kg. Ở Đà Nẵng, còn có cả tổ yến... Chợ Cồn, giá chỉ 30 triệu đồng/kg trở xuống, do chúng được trộn một phần hoặc hoàn toàn làm bằng bột chóc! Để người dùng khỏi bị hố, một vài cửa hàng bán tổ yến ở Đà Nẵng có trưng bày so sánh mấy loại này. Hiện ở Đà Nẵng có ít nhất 4-5 nhà nuôi chim yến nhưng chỉ có nhà ông M. gần khách sạn Minh Toàn và nhà Dũng KDT ở Mỹ An là thành đàn, số còn lại đầu tư gấp đôi gấp ba nhưng do chưa có cơ duyên, từng đàn chim yến mỗi sáng ngang qua, rồi bay biền biệt! Tôi từng tiếp xúc ông M. Theo ông, năm 2006 có nhiều cơn bão, nhà ông đang xây thì yến vào. Thế là ông nhường nhà cho yến ở. Không biết có "huyền thoại hóa" hay không nhưng ông khẳng định, đàn yến nhà ông hiểu được tiếng... người! Mà chỉ hiểu được khẩu lệnh của ông. Người lạ vào nhà, chúng kêu chíu chít, tỏ vẻ bất ưng. Khi ông bước đến, vỗ nhẹ vào tường, bảo "Ông đã về! Ông đã về", chúng liền dịu giọng, đang bổng xuống trầm! Cũng theo ông M, mỗi năm ông thu được vài ký tổ chim yến, bán ra ngang giá yến đảo Cù lao Chàm.

5. Dũng KDT đang dưỡng đàn, tăng đàn nên chưa nghĩ đến việc bán buôn. Ngược lại, anh nghĩ xa hơn: nếu một ngày xấu trời, chim yến bỏ đi, anh sẵn sàng cải biến 3 tầng lầu thành khách sạn 3 sao bởi Đà Nẵng đang nổi lên như một ngôi sao du lịch biển. Nói là vậy nhưng Dũng đang mê yến hơn mê... vợ. Anh tiết lộ: Nhiều ông phục kích chụp hình đàn chim yến nhà anh để mang về thuyết phục bà xã bỏ vốn đầu tư xây nhà cao tầng "bắt con chim bay". Nhưng cũng theo Dũng, gỗ làm giàn chim yến đang bị hiếm. Cách nay 2 năm, giá 20 triệu đồng/m3, mua từ Indonesia và đã xử lý sạch mùi. Anh không theo cách ấy mà tự đọc sách, tìm hiểu trên mạng, tự thuê thợ đến thực hiện theo ý mình. Gỗ cũng gỗ xứ mình, không mua từ Indonesia nên giá thành dự án của anh không cao bằng người khác. Ngược lại, một số đại gia... lười biếng, thuê cánh chuyên gia thiết kế giàn chim yến đến từ Khánh Hòa, khi thực hiện xong dự án, chủ nhà trả 50-60% tổng kinh phí, nếu năm đầu có 5 cặp yến vào làm tổ, thanh toán nốt, nhược bằng chờ tiếp năm sau... Có khi chờ đến 5 năm, gỗ làm giàn đã xuống cấp mà chim yến... vẫn liệng rợp trời, không chịu sà xuống cùng khổ chủ. Hồi Indonesia cháy rừng, hàng đàn chim yến ngoài vạn đảo bị vỡ tổ, vượt biển bay sang miền Tây Nam Bộ. Ở Gò Công, người ta xây cả trăm tòa nhà đón lõng, cuối cùng chỉ có chưa đầy 20 nhà có chim về trú ngụ. Với Trần Duy Dũng, nuôi chim yến cũng là một nghề chơi. Mà "nghề chơi cũng lắm công phu", không dễ dàng gì chuyện bắt được loài chim bay hoài, không chịu đậu!

Đà Nẵng 22.8.2009

Ký sự Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.