Bi kịch của một cô giáo

23/08/2009 22:55 GMT+7

Đang là giáo viên của trường THCS Bình Đức (H.Châu Thành, Tiền Giang), bất ngờ cô nhận được quyết định đưa vào cơ sở giáo dục! Rồi sau đó là cả một hành trình vất vả mưu sinh...

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, năm 1983 cô giáo Phan Thị Kiến (sinh năm 1960, ngụ 116/9 Lý Thường Kiệt, P.5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) được phân công về dạy ở trường THCS phường 4, sau đó chuyển về trường Học Lạc (P.8, TP Mỹ Tho). Sau 8 năm đứng lớp, năm 1991 cô bất ngờ nhận được quyết định thôi việc theo diện tinh giản biên chế. Nguyên do, theo cô Kiến là Ban giám hiệu nhầm cô đã nộp hồ sơ chuẩn bị xuất cảnh theo gia đình bên chồng...

Không chấp nhận bị “hưu non”, cô làm đơn nhờ cơ quan công an xác nhận chưa từng nộp hồ sơ xin xuất cảnh, rồi viết đơn khiếu nại. Bốn năm sau, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản trả lời, yêu cầu cô tự liên hệ xin việc, nếu có nơi nào tiếp nhận thì sẽ bố trí lại. Chạy vạy, gõ cửa nhiều chỗ, cuối năm 1995 cô được Phòng Giáo dục huyện Châu Thành đồng ý tiếp nhận. Ngay sau đó cô được phân công dạy tại trường THCS Bình Đức, nhưng thời gian nghỉ chờ việc từ năm 1991-1995 không được tính vào thâm niên công tác.

 
Cô giáo Phan Thị Kiến phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau sau khi hứng chịu hàng chuỗi bi kịch

Tháng 3.1997, vì xích mích với hàng xóm nơi cư ngụ, bị người dân phản ánh, cô bị Phòng Giáo dục huyện Châu Thành kỷ luật cảnh cáo và thông báo toàn ngành vì “vi phạm đạo đức của người giáo viên”. Chuyện tưởng đến thế thôi, không ngờ gần một năm sau, ngay vào những ngày cận Tết Nguyên đán (26 tháng chạp), cô bị công an tới nhà bắt đưa vào cơ sở giáo dục, theo quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang. Nhưng thay vì đưa vào cơ sở giáo dục Bến Giá (H.Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, theo quyết định của UBND tỉnh) với thời hạn 2 năm, cô được “ăn tết” cùng với các phạm nhân ở trại tạm giữ của Công an TP Mỹ Tho, rồi sau đó được chuyển tới thụ hình ở trại tạm giam thuộc Công an Tiền Giang (!).

Mặc dù chuyện xảy ra đã lâu nhưng ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục H.Châu Thành, nhớ rất rõ: “Hồi đó cô Kiến có gây gổ, xích mích với hàng xóm. Sau khi xác minh, phòng đã yêu cầu cô làm kiểm điểm. Căn cứ Thông tư 10 của Bộ GD-ĐT, Trưởng phòng Giáo dục huyện ký quyết định xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo và thông báo toàn ngành. Sự việc chỉ đến thế thôi, cô Kiến vẫn là giáo viên và đi dạy bình thường. Nhưng rồi chẳng biết địa phương đã đề nghị như thế nào mà gần một năm sau, UBND tỉnh lại có quyết định đưa cô Kiến đi cải tạo. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và cũng không biết vì lý do gì, bởi Phòng Giáo dục là cơ quan quản lý nhưng không được tham khảo ý kiến. Nhưng đây là quyết định của tỉnh, chúng tôi phải chấp hành. Còn việc để khiếu nại kéo dài đến bây giờ, vì Phòng Giáo dục cũng bế tắc, không biết giải quyết chế độ ra sao. Một cô giáo bỗng dưng bị đưa đi cải tạo gần 6 tháng rồi cho về, nói là bị tâm thần...”.

Trong thời gian này gia đình cô liên tục viết đơn kêu oan, rồi không hiểu vì sao cô được đưa đi... giám định tâm thần! Ngày 20.5.1998, UBND tỉnh Tiền Giang lại ra một quyết định khác “miễn thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục” đối với Phan Thị Kiến vì lý do: “mắc bệnh tâm thần không có năng lực chịu trách nhiệm hành vi”!

12 năm = 2 tháng lương...

Sau khi được ra trại, cô Kiến trở về trường trình diện thì thầy hiệu trưởng bảo về đi, trường sẽ gửi quyết định cho thôi việc sau vì Phòng Giáo dục không cho cô dạy nữa.

Không được dạy học, gia đình sắp xếp đưa cô lên TP.HCM thuê nhà ở và tìm cách khác sinh sống. “Lúc đó tôi vừa đi dạy kèm, vừa phụ bán hàng, bơm xe ở gần Trung tâm thương mại quốc tế mới đủ tiền xoay xở qua ngày. Thời gian này, có người muốn giúp cho tôi dạy hợp đồng tại một trường ở TP.HCM nhưng khi về Phòng Giáo dục Châu Thành xin quyết định nghỉ việc thì không được giải quyết. Do vậy tôi trở về Mỹ Tho học lái xe hơi. Nhờ đạt loại giỏi nên nhà trường muốn giữ lại làm giáo viên thực tập cho học viên nữ, nhưng tôi vẫn không xin được quyết định nghỉ việc ở cơ quan cũ”, cô Kiến kể.

Ngừng một lát để kìm nén xúc động, cô nói tiếp: “Quá bức xúc, tôi gửi đơn khiếu nại tới Bộ GD-ĐT và Bộ có văn bản yêu cầu địa phương giải quyết. Nhưng mãi đến tháng 5.2009 UBND H.Châu Thành mới mời tôi đến giải quyết mỗi năm công tác được trợ cấp 1 tháng lương, tổng cộng là 17.355.000 đồng, nếu không đồng ý thì khởi kiện tại tòa án. Nhưng khi tôi nộp đơn khởi kiện thì TAND huyện lại bảo đó không phải là quyết định cho thôi việc nên tòa không thụ lý. Mới đây Sở Nội vụ mời tôi tới và yêu cầu viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Giải quyết như vậy là không thỏa đáng vì tôi bị mất mát quá nhiều”.

Việc một cô giáo bị sa thải nhưng sau hơn chục năm vẫn không có quyết định hành chính, theo UBND huyện Châu Thành: “Do Phòng Giáo dục huyện đã không báo cáo đề xuất lập hội đồng kỷ luật để buộc thôi việc. Sau khi được ra trại, bà Kiến đã liên hệ với nhà trường nhưng không được giải quyết chế độ chính sách. Cuối năm 2004, Phòng Giáo dục mời bà Kiến đến giải quyết chế độ thôi việc bằng... 2 tháng lương mà không đưa quyết định nghỉ việc, là không đúng”...

Bỗng dưng bị đi cải tạo

Ông Dương Trọng Nhân, Chủ tịch UBND P.5, TP Mỹ Tho, nói: “Theo quy định thì những trường hợp đưa đi cơ sở giáo dục đều phải thông qua hội đồng tư vấn xét duyệt và hội đồng này do Chủ tịch UBND phường làm chủ tịch. Nhưng trực tiếp giải quyết và lưu giữ hồ sơ là do công an phường”.

Trong khi đó, trung tá Huỳnh Đức Hoàng, Phó trưởng Công an P.5, cho biết những người tham gia giải quyết vụ này nay đã chuyển đi nơi khác; hồ sơ cũng nộp về Phòng hồ sơ và phường không nắm được.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Tư (trưởng KP3 từ năm 1993 đến nay) thì lý do chính khiến cô Kiến bị đề xuất đưa đi cải tạo vì đã “nhục mạ ông bí thư chi bộ khu phố và gây gổ với hàng xóm”. Chúng tôi hỏi vậy hồi đó có tổ chức họp dân lấy ý kiến và có lập biên bản không? Ông Tư ngập ngừng: “Hồi đó hình như tôi hổng nhớ là có hay không nữa”!

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.