Đến với “nghiệp” chế tạo máy như một sự tình cờ, bởi trước khi tạo ra được máy thái rau, rồi sau đó trở thành hội viên Hội Cơ khí VN, nông dân người dân tộc Nùng Hoàng Văn Chủ không có “một chữ cắn đôi” về máy móc.
Giá bán máy đa năng có thể vừa bơm nước, thái rau, tẽ ngô và quạt lúa chưa đến 2 triệu đồng/chiếc. Trong đó, nếu người dân chỉ cần sử dụng một loại máy, giá bán cụ thể như sau: 700 ngàn đồng/máy thái rau, 500 ngàn đồng/máy tẽ ngô và 500 ngàn đồng/máy quạt thóc. Hiện những chiếc máy do anh Chủ chế tạo đã có mặt ở nhiều địa phương như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh... phục vụ đắc lực cho nhà nông trong công việc đồng áng. |
Một ngày hè năm 1996, trời nóng tới gần 39 độ C. Trời đã về chiều mà nắng vẫn còn gắt lắm, ngồi đầu hè hóng gió từ chiếc quạt điện, chẳng biết sao Chủ lại “nghịch dại”, lấy cọng rau trong rổ để gần đó, đưa vào quạt. Nhìn cọng rau bị cánh quạt chém cụt dần, đoạn rau vừa đứt bị gió quạt thổi bay ngược ra ngoài, bất chợt anh nghĩ, tại sao mình không cải tiến chiếc quạt thành máy thái rau, để vợ bớt vất vả.
“Bà xã nuôi cả chục con lợn, ngày ngày hái rau rồi ngồi băm băm, thái thái đến mỏi tay, đau lưng mới lo đủ khẩu phần cho chúng. Nhiều lúc sơ ý, bà xã băm phải tay, máu túa ra. Nhìn cảnh ấy tôi xót lắm”, anh Chủ nhớ lại.
Muốn giải phóng sức người phải dùng động cơ điện, lấy máy bơm nước để trong góc nhà, anh Chủ bắt đầu mày mò, chế tạo nó thành động cơ điện một pha, tăng công suất rồi gắn vào giá đỡ. Tiếp đó, Chủ cắt sắt, kiên trì mài dũa thành con dao 2 lưỡi để gắn chặt vào thân máy, khi máy chạy, dao quay theo sẽ “vuốt” vào rau, làm rau đứt ra làm nhiều đoạn.
Thế rồi sau nhiều lần tháo máy ra, lắp vào, cuối cùng, một ngày mùa đông năm 1997, chiếc máy thái rau đầu tiên đã ra đời và “chạy tốt”. Tuy nhiên, hình thức của máy chưa bắt mắt cho lắm và rau thái ra vẫn còn cọng dài cọng ngắn. Chủ lại tiếp tục cải tiến. Một thời gian ngắn sau đó, chiếc máy hoàn thiện được trình làng. “Chiếc máy này có thể thái 5 tạ rau mỗi giờ. Người đứng máy có thể điều chỉnh để rau thái ra với các cỡ to - nhỏ, nhanh chậm tùy thích. Máy thái được đủ các loại rau, từ bèo, dây khoai lang, củ sắn, củ khoai cho đến loại rau cỏ cứng như cỏ voi”, Chủ giới thiệu. Dân làng “ưng cái bụng” nên kêu Chủ làm máy rồi mua về nhà sử dụng.
“Thừa thắng xông lên”, “nhà tạo máy chân đất” tiếp tục mày mò cải tiến để chiếc máy vừa thái được rau, vừa bơm được nước “cho đỡ phí”. Tiếp đó, Chủ còn chế tạo các bộ phận khác, để khi lắp vào động cơ được chế từ chiếc máy bơm nước sẽ trở thành một chiếc máy tẽ ngô có công suất 3 tạ/giờ hoặc một chiếc máy quạt lúa.
* * *
Bắt đầu tạo máy chỉ bằng hai bàn tay trắng với cái búa và cái kìm, đến nay anh Chủ đã có một xưởng cơ khí với tổng giá trị lên tới trên 200 triệu đồng. “Trong đầu tôi đang ấp ủ nhiều ý tưởng lắm. Tôi đã chế tạo thử và gần như nắm chắc thành công tới trên 80% trong việc tạo ra máy bơm nước thủy lực và máy tời vật liệu lên cao phục vụ sản xuất cho bà con tại những vùng núi cao, địa hình phức tạp”, anh Chủ khoe. “Nhà khoa học chân đất” này đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen vì có thành tích trong việc cải tiến máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh cũng được Hội Cơ khí VN tặng bằng khen vì có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển cơ điện nông nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
Quang Duẩn
Bình luận (0)