Giáo dục tình dục cho lớp trẻ-Trách nhiệm thuộc về ai?

24/08/2009 11:52 GMT+7

Kỳ 2 - “Phải giữ gìn” Ở Việt Nam, kinh nguyệt đồng nghĩa với mối nguy hiểm liên quan đến phẩm hạnh con gái. Các bà mẹ thường không nói về ý nghĩa của kinh nguyệt đối với con gái mà bắt đầu trở nên cảnh giác hơn với những lời nhắc nhở, răn đe.

Ngược lại, ở một số nền văn hóa, kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một cô gái được coi như là một sự kiện trọng đại và được đón chào bằng những nghi lễ thiêng liêng để đánh dấu ngày xuất hiện một đặc điểm giới tính quan trọng nhất của phụ nữ.

“Những cái đấy (kinh nguyệt), mẹ em không nói. Khi em tầm 18 tuổi, mẹ biết em không thể tránh khỏi chuyện yêu đương bạn bè gì đấy, mới nói chuyện tâm lý, khuyên em thôi”  - (My, nữ, 20 tuổi, công nhân, Hà Nội).

Phần lớn các cô gái đều không được cha mẹ trao đổi trước về kinh nguyệt cho đến lần hành kinh đầu tiên. Nhiều người cho biết họ hoảng hốt khi thấy kỳ kinh đầu tiên.

“Em lúc đó hình như khờ hơn tụi nhỏ bây giờ. Ở thời của em, hình như không biết chuyện đó. Một ngày, có kinh trong lúc nhảy dây, em khóc dữ lắm. Em sợ có cái gì đó trong người bị rách. Biết chuyện, mẹ cười và nói em có kinh” -  (An, nữ, 36 tuổi, nội trợ, TPHCM).

“Em nhớ đến lớp 8 mới có hành kinh. Trước đó có biết gì đâu. Mẹ cũng không nói. Ngủ một đêm thức dậy tự nhiên thấy như vậy. Sợ quá. Sau đó bả mới chỉ con phải làm vậy vậy. Đó là kinh nguyệt của phụ nữ”  - (Lam, nữ, 48 tuổi, công nhân, TPHCM).

Đàn ông luôn bị coi là nguy hiểm

Cuộc Điều tra Quốc gia về Vị Thành viên & Thanh niên Việt Nam (SAVY) năm 2003 cho biết 80,6 phần trăm cô gái nói với thân nhân trong gia đình về kinh nguyệt lần đầu tiên của mình.

Con số này thực ra chỉ phản ánh việc các cô gái thông báo với gia đình về kỳ kinh đầu tiên mà có lẽ chủ yếu để có được sự hỗ trợ về phương tiện vệ sinh hơn là để tâm sự và chia sẻ về một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với họ.

Không có số liệu cho biết các cô gái nói gì với gia đình về kinh nguyệt cũng như về cách ứng xử của gia đình trước thông tin đó. Có lẽ thông điệp quan trọng nhất và thường xuyên nhất liên quan đến tình dục mà các cô gái Việt Nam mọi thời đại được nghe từ cha mẹ là “phải giữ gìn”.

Đối với các bậc cha mẹ, tình dục là một hiểm họa lớn nhất với các con gái của họ - những nạn nhân tiềm năng của tình dục. Còn đối với các cô gái, tình dục gắn liền với sự thiệt thòi, mất mát và nhục nhã.

“Bố mẹ chỉ dạy, đừng như con nhà người ta, không cẩn thận thì mang tai mang tiếng, bố mẹ xấu hổ, đi đâu không dám ngẩng mặt lên, cho nên các con phải giữ gìn” - (Ngân, 43 tuổi, buôn bán nhỏ, Hà Tây).

“Mẹ cũng bảo đừng có nghịch ngợm với cả giao tiếp với bạn trai, phải thế nọ thế kia, đừng để cho con trai nghĩ là thích nó chẳng hạn, nếu không, nó lại đánh giá mình nọ kia, rồi sau khó lấy chồng các thứ”  - (Hòa, nữ, 48 tuổi, Hà Nội).

Đàn ông luôn được coi là nguy hiểm trong con mắt của các bà mẹ vì đàn ông được kiến tạo như những kẻ tràn đầy ham muốn đồng thời không thể và không cần kiềm chế các xung động tình dục của mình. Mặt khác, ở xã hội Việt Nam, cho đến nay, trinh tiết vẫn là một nỗi ám ảnh của các cô gái và cha mẹ họ.

Do đó, một trong những nỗi lo lớn nhất và trách nhiệm lớn nhất của các bà mẹ ở mọi thế hệ là làm sao để bảo vệ con gái trước sự tấn công của những kẻ nguy hiểm đó để bảo toàn được giá trị của mình cho đến khi kết hôn.

“Mẹ bảo đàn ông ai cũng rất ham muốn, con phải giữ mình. Đến lúc về ở với người ta, nó mới tôn trọng con. Nếu con dễ dãi quá để nó muốn làm gì con cũng được thì, lúc về, nó khinh thường con lắm, dù nó yêu con đến mấy. Nó dỗ ngọt, dỗ ngon con nhưng cái chính là con phải giữ bản thân con. Khi nào nó lấy con về thì con hãy cho nó. Chứ con mà dễ dãi này khác, con khổ. Lúc nào mẹ em cũng đôn đốc. Đi chơi tối, lúc nào mẹ em cũng bảo “thế thì ngồi ở nhà mà nói chuyện”. Nếu cho đi, mẹ cũng hỏi đi thì mấy giờ về” - (Lan, 42 tuổi, Hà Nội).

“Mẹ nói rất nhiều thứ, không đi chơi khuya. Đi uống nước với bạn trai thì phải cẩn thận, ngủ cũng phải cẩn thận. Đi chơi đến 9 giờ tối mà không về là ăn đòn đó chị ạ. Bữa nào đi sinh nhật tới 10 giờ về là bị la rồi” - (Hà Thu, 24 tuổi, kế toán, TPHCM).

“Con gái 10 giờ đêm phải về. Còn con trai được đi đến 12 giờ”  - (Cẩm, nữ, 20 tuổi, thợ làm móng tay, TPHCM).

Kỳ 1

Theo TS Khuất Thu Hồng / Tiề Phong
Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.